Hàng năm, xã luôn quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh, che chắn chuồng trại, dự trữ thức ăn phòng chống đói, rét, dịch bệnh. Trong đó, cùng với các đợt triển khai phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ của địa phương thì xã còn tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân chăn nuôi chủ động rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng xung quanh chuồng trại thường xuyên; chú trọng việc tách đàn, tăng đàn cũng như đầu tư chuyển đổi giống, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng phát triển các loại vật nuôi đặc sản, chất lượng, sản xuất hàng hóa tập trung...
Đồng thời, xã đã triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, điển hình là Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho nhân dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô tập trung.
Riêng năm 2022, toàn xã xây dựng được 14 cơ sở theo Nghị quyết số 69, trong đó 8 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô 15 lợn nái, 5 cơ sở nuôi kết hợp quy mô 5 nái, 20 lợn thịt trở lên và 1 cơ sở nuôi dê quy mô từ 30 con trở lên; năm 2023 vận động nhân dân tiếp tục đăng ký tham gia xây dựng mô hình. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 69, toàn xã có trên 40 cơ sở chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 được nghiệm thu góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi.
Qua đó, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nâng cấp chuồng trại để mở rộng quy mô chăn nuôi không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình mà còn góp phần cổ vũ, động viên xây dựng ngành chăn nuôi của xã ngày một hiện đại, chuyên nghiệp.
Điển hình như ông Lương Ngọc Liên, thôn Nà Bó trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng sau khi Nghị quyết số 69 có hiệu lực, ông đã mạnh dạn di dời chuồng trại vào khu đất trống của gia đình xa dân cư rồi đầu tư xây dựng chuồng trại mới hiện đại, có hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường, tận dụng chất đốt và đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi lợn theo Nghị quyết số 69 với quy mô nuôi 3 lợn nái, 20 lợn thịt trở lên và mô hình chăn nuôi dê quy mô 30 con trở lên/mô hình.
Còn hộ ông Hoàng Văn Quốc ở thôn Co - là một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trước đây đã mạnh dạn chuyển đổi, nâng cấp chuồng trại sang chăn nuôi hàng hóa. Ông Quốc chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2021, nhờ động lực từ chính sách hỗ trợ, tôi đã đầu tư hơn 80 triệu đồng nâng cấp, mở rộng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn và mua thêm con giống về nuôi rồi đăng ký tham gia mô hình với quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên. Ngoài chăm sóc tốt, gia đình tôi luôn chú trọng phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn luôn sinh trưởng, phát triển tốt và ổn định, góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của gia đình”.
Nhờ đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi quy mô sản xuất hàng hóa đã góp phần quan trọng giúp xã Khánh Thiện phát triển tổng gia súc chính năm 2023 đến hiện tại trên 5.730 con, đạt 81% kế hoạch với gần 1.000 con trâu, bò, hơn 480 con dê và trên 4.250 con lợn cùng hơn 42.000 con gia cầm các loại với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự ước trên 243 tấn, đạt 64% kế hoạch.
Có thể thấy, nhờ công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương được đúng hướng, bám sát tiềm năng thế mạnh tại chỗ cũng như phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là chính sách từ Nghị quyết số 69 đã góp phần quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi của Khánh Thiện có bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào nền kinh tế chung của địa phương, giúp xã giảm tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2022 còn 10,9%, hộ khá và giàu cũng theo đó tăng lên theo từng năm.
Châu Á