Trong đợt mưa lũ đêm 5/8 vừa qua, trên quốc lộ 32 đoạn từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đi huyện Than Uyên (Lai Châu) dài khoảng 40 km có gần 100 điểm sạt lở, hàng chục vạn mét khối đất đá tràn ra mặt đường, đặc biệt có 3 vị trí trên quốc lộ 32 mất hoàn toàn mặt đường, mỗi vị trí dài từ 40 đến 100m.
Để đảm bảo cho các phương tiện lưu thông sớm nhất, nhất là phục vụ công tác hỗ trợ và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại xã Hồ Bốn - địa bàn bị cô lập vì đứt đường, Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I Yên Bái đã huy động toàn bộ máy móc và nhân lực tập trung làm ngày đêm. Chỉ sau 4 ngày nỗ lực, đến 9/8, các vị trí sạt lở ta luy âm nền mặt đường Km326+200 trên quốc lộ 32 từ huyện Mù Cang Chải đi xã Hồ Bốn đã cơ bản thông xe máy.
Anh Lý A Hờ - công nhân lái máy xúc của Công ty cho biết: "Trận mưa lũ đêm 5/8 làm nhiều điểm bị sạt lở, tắc nghẽn nghiêm trọng, nhất là từ xã Lao Chải đi xã Hồ Bốn. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công ty, tôi và các đồng nghiệp đã thay nhau làm liên tục, không nghỉ. Dù mệt nhưng tôi, cũng như các anh em phải cố gắng hết mình để thông đường giúp các đoàn đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả giúp người dân, đồng thời giúp nhân dân đi thuận lợi”.
Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng đường bộ I - Yên Bái đan rọ thép để khắc phục các điếm sạt lở trên quốc lộ 32 sau trận mưa lũ đêm 5/8/2023
Ông Bùi Quốc Hương - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng đường bộ I Yên Bái cho biết: "Hiện Công ty đang quản lý gần 300 km đường, trong đó, quốc lộ 37 và 32 có chiều dài 215 km; tuyến tỉnh lộ 80 km nằm trên địa bàn các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ. Hầu hết công trình giao thông do Công ty quản lý chủ yếu đi qua các vùng núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp, không ổn định và khi có mưa lớn thường xảy ra lũ quét gây sạt lở đất, phá hỏng công trình giao thông. Tuy nhiên, khi có sự cố, nhất là các điểm sạt lở, Công ty đã chỉ đạo cán bộ, công nhân có mặt tại hiện trường để xử lý nhanh nhất, đảm bảo lưu thông”.
Hàng năm, diễn biến phức tạp của thời tiết, mưa to kéo dài, gây lũ ống, lũ quét đã ảnh hưởng lớn tới các công trình hạ tầng giao thông. Cùng với đó, một số tuyến đường tỉnh đã xuống cấp, chất lượng mặt đường thấp, quy mô một số tuyến đường chưa đáp ứng được yêu cầu về khai thác, các công trình thoát nước chưa đồng bộ về tải trọng ....
Khắc phục tình trạng trên, Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I Yên Bái đã lập nhiều phương án ứng phó, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên theo các tiêu chí chất lượng ở các tuyến đường; tập trung tăng cường phát quang, nạo vét rãnh, thông cống, đắp phụ lề đường, rải êm thuận mặt đường, lắp dựng hệ thống cọc tiêu, cột cây số, biển báo.
Đối với các vị trí xung yếu trên quốc lộ 37, quốc lộ 32 và các tuyến tỉnh lộ như: Văn Chấn - Trạm Tấu, đường Mường La - Mù Cang Chải…, Công ty đã chuẩn bị đủ vật tư dự phòng, bố trí đủ máy móc, thiết bị như: xăng, rọ thép, đá hộc, ô tô, máy xúc, máy ủi... để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Anh Vũ Văn Hùng - công nhân lái máy xúc lật cho biết: "Sáng ngày 28/7 vừa qua, tại Km 269+800 đoạn qua đèo Khau Phạ xảy ra sạt lở ta luy dương với khối lượng khoảng 1.000m3, lấp toàn bộ mặt đường, các phương tiện không thể qua lại. Tôi và một số anh em được cử cắm chốt ở đèo Khau Phạ, khi phát hiện sạt lở, chúng tôi đã khẩn trương san gạt, hót dọn đất đá để đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất”.
Hiện nay, do thời tiết diễn biến khó lường, mưa nhiều, nhất là vào buổi tối, rất dễ gây sạt lở taluy dương. Để ứng phó với những tình huống này, nhất là các điểm xung yếu trên đỉnh đèo Khau Phạ, Ngã Ba Kim (Mù Cang Chải), xã Tú Lệ (Văn Chấn), Công ty đã bố trí các tổ ứng phó với nhiều máy xúc, máy xúc lật, các ô tô vận tải túc trực thường xuyên. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng xung kích thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ” để tổ chức phân luồng giao thông nếu xảy ra ách tắc nhiều giờ.
Ông Bùi Quốc Hương - Giám đốc Công ty cho biết thêm: "Với hơn 60 năm kinh nghiệm làm công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cầu, đường bộ, trong thời gian tới, Công ty tiếp tục chủ động dự phòng máy xúc, ô tô và vật liệu đặt tại các điểm trọng yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở đất, đá trong mùa mưa bão. Tuần tra, phát hiện kịp thời các điểm sạt lở, ách tắc giao thông, đề xuất và thực hiện hót sạt, thông đường nhanh gọn, an toàn và hiệu quả. Đồng thời chủ động đầu tư mua sắm thêm nhiều máy móc, thiết bị cải tiến kỹ thuật và bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lực lượng lao động; thường xuyên chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua để đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong mọi tình huống".
Văn Tuấn