Với gần 4 ha đồi, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Hơn, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình đã chọn cây keo để trồng và nuôi ong dưới tán để tăng thêm thu nhập. Bởi lẽ, không chỉ tạo bóng mát, mà hoa keo còn là nguồn thức ăn phong phú cho ong. Do đó, trên 70 đõ ong của bà Nguyệt phát triển tốt, ít bị bệnh và cho sản lượng mật khá cao, chất lượng mật thơm ngon và mang về nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi năm.
Bà Nguyệt chia sẻ: "Khi keo được 3 - 4 năm, tôi kết hợp nuôi ong dưới tán keo và tôi thấy nuôi kiểu này rất có lợi vì ong vừa mát vừa có thức ăn. Đồng thời, trong gần chục năm đợi thu hoạch keo thì hằng năm tôi có nguồn thu khá lớn từ nuôi ong”.
Ở huyện Mù Cang Chải, người dân đã tận dụng ruộng bậc thang vừa cấy lúa vừa nuôi cá. Anh Giàng A Chang ở bản Khao Mang, xã Khao Mang có trên 1.000 m2 ruộng. Nhiều năm nay, anh nuôi cá chép bản địa kết hợp cấy lúa nên không những mang lại lợi ích cộng sinh cho lúa sinh trưởng, phát triển mà còn tạo thêm thu nhập.
"Nuôi cá chép ruộng rất đơn giản, không cần chăm sóc nhiều, quan trọng nhất là nguồn nước sạch. Cá chép còn giúp sục bùn, ăn các loại côn trùng có hại và thải phân làm tốt lúa. Nhờ đó, lúa phát triển sạch, thóc, gạo của mình được nhiều người dưới huyện đặt mua, mà cá cũng bán được từ 120.000 đồng -130.000 đồng/kg, mang lại thu nhập trung bình mỗi năm gần 20 triệu đồng từ cá” - anh Chang chia sẻ.
Hiện nay, nhiều hộ ở các xã: Lao Chải, Khao Mang, Hồ Bốn còn trồng lúa Séng cù hàng hóa kết hợp với nuôi cá chép ruộng vào vụ mùa với diện tích gần 500 ha, mang lại nguồn thu ổn định.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án và các giải pháp góp phần nâng cao giá trị sử dụng đất trên một đơn vị diện tích như: Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết 69 HĐND về triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 20 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025…
Những giải pháp này đã tạo tiền đề để các địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vào sản xuất và đây được xem là một trong những giải pháp nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác cho nông dân. Cách làm này góp phần đẩy mạnh quá trình tích tụ đất đai, hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo đà cho sản xuất hàng hóa.
Hiện, tỉnh đã xây dựng được vùng quế nguyên liệu trên 81.000 ha; sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; dâu tằm trên 1.000 ha; diện tích rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha; tre măng Bát độ trên 5.400 ha...
Việc xác định đúng cây, con phù hợp với thế mạnh đặc điểm của từng vùng đã giúp người dân có thêm hướng đi mới phát triển kinh tế, tạo thu nhập thường xuyên từ ngắn ngày đến lâu dài. Cụ thể như hình thức xen canh giữa chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích với những cách làm đa dạng được các hộ dân trên địa bàn tỉnh áp dụng sáng tạo.
Có thể kể đến như mô hình trồng chanh, nuôi ốc; chăn nuôi dưới tán rừng; nuôi ốc kết hợp trồng lúa, lúa cá... đã trở nên phổ biến. Cùng một đơn vị diện tích, một công lao động, người dân có thể tạo ra năng suất, hiệu quả gấp nhiều lần. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, công lao động mà còn tăng thu nhập cho nông dân.
Nhờ những giải pháp đồng bộ mà giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đã được cải thiện. Theo đó, mỗi héc - ta đất trồng trọt năm 2022 đạt 72 triệu đồng/năm; nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 240 triệu đồng/năm. Tỉnh cũng phấn đấu trong năm 2023, mỗi héc - ta đất trồng trọt giá trị sẽ tăng thêm 4 triệu đồng và nuôi trồng thủy sản sẽ tăng thêm 20 triệu đồng...
Hồng Duyên