Trên diện tích 1 ha, trước đây, gia đình chị Hà Thị Vỹ ở bản Đồng Lơi, xã Thanh Lương chỉ trồng lúa. Đến năm 2021, chị chuyển một nửa diện tích sang trồng ớt xuất khẩu, còn lại trồng dưa chuột. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu không phù hợp nên cây ớt hay bị sâu, bệnh, hiệu quả kinh tế không cao bằng trồng dưa chuột. Hiện nay, chị Vỹ chuyển toàn bộ diện tích 1 ha sang trồng dưa chuột.
Chị Vỹ cho biết: "Theo tính toán của tôi, trồng 1 ha dưa chuột đạt khoảng 35 tấn, một năm trồng được 3 vụ, cho thu nhập khoảng 210 triệu đồng/vụ. Sau khi trừ chi phí thu về từ 350 - 400 triệu đồng/năm. Về đầu ra, hiện tại, gia đình đang liên kết với các thương lái cơ bản là ổn định. Sắp tới, xã có liên kết với Công ty Rau quả Việt để bao tiêu sản phẩm cho bà con nên chúng tôi cũng yên tâm sản xuất”.
Gia đình anh Hoàng Văn Hải ở thôn Bản Muông, xã Phúc Sơn chuyển đổi 600 m2 đất trồng lúa ở gò cao, khó lấy nước sang trồng bưởi da xanh. Anh Hải cho biết: "Do đất ruộng canh tác kém hiệu quả nên tôi đã nghiên cứu trên mạng Internet đưa vào trồng thử nghiệm 40 gốc bưởi da xanh. Tất cả kỹ thuật trồng chăm sóc tôi đều nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn cộng với tự mày mò, nghiên cứu. Tuy hiện tại hiệu quả chưa cao do mới năm đầu ra quả nhưng tôi rất vui vì đất này đã phát huy hiệu quả kinh tế”.
Hay mô hình trồng cây mắc ca của anh Phạm Đăng Đại ở thôn 9, xã Nghĩa Lộ cũng là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện tại, với gần 4 ha, gia đình anh có 900 gốc mắc ca. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Đại thu hoạch được khoảng 4 tấn quả tươi. Với giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về từ 150 triệu đồng trở lên.
Anh Đại chia sẻ: "Diện tích đất đồi này trước đây trồng chè, cây ăn quả nhưng hiệu quả không cao, từ khi chuyển sang trồng cây mắc ca lại thấy loại cây này hợp thổ nhưỡng, khí hậu, đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, vùng gò đồi kém hiệu quả, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân.
Hàng năm, UBND thị xã chỉ đạo Phòng Kinh tế phối hợp với các địa phương rà soát các diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác. UBND xã, phường căn cứ vào kế hoạch của thị xã để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi chi tiết đến người dân trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất đạt hiệu quả.
Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất sản xuất kém hiệu quả đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Cụ thể, các cây trồng chuyển đổi cho lãi ròng trên 20 triệu đồng/ha/vụ, có một số mô hình lãi đến 100 - 150 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn từ 5 - 7 lần so với sản xuất lúa.
Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn, như: đầu ra cho các sản phẩm, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh còn ít nên giá cả bấp bênh; chưa có vùng sản xuất hàng hóa lớn, việc triển khai để liên kết sản xuất chuỗi giá trị theo tổ hợp tác, hợp tác xã chưa ổn định…
Từ những khó khăn đó, thị xã đã tập trung xây dựng vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, xây dựng chuỗi liên kết, trong đó trọng tâm gắn sản xuất với chế biến, nhất là việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu tại chỗ; hỗ trợ người dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, thị xã đang tập trung đẩy mạnh thị trường tiêu thụ thông qua việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đạt tiêu chuẩn trên các sàn thương mại điện tử.
Hồng Duyên