Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, NQ 69 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, không chỉ đối với các đối tượng thụ hưởng là những doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất thực hiện các dự án sản xuất sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị mà nhiều hộ gia đình, cá nhân, nhất là các hộ còn khó khăn cũng đã mạnh dạn đầu tư liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ; mở rộng quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa để từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Điển hình như hộ ông Hà Văn Thiện, thôn Bản Khun, xã Hồng Ca những năm trước đây thuộc diện hộ nghèo do thiếu tư liệu và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu. Năm 2021, ông Thiện vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về đầu tư mua thêm con giống, làm chuồng trại theo quy định để đăng ký tham gia mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên và tiếp tục được hỗ trợ theo NQ 69 để có thêm điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, gia đình ông đã phát triển đàn trâu, bò lên tới hơn 30 con.
Ông Thiện phấn khởi chia sẻ: "Nhờ động lực tinh thần, vật chất từ các chính sách hỗ trợ của NQ 69 và đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo đà giúp tôi tự tin, mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò sinh sản bán chăn thả. Hiện, mô hình chăn nuôi đại gia súc của tôi không chỉ tạo việc làm, có thu nhập ổn định mà còn là niềm tin để thay đổi cuộc sống”.
Để giúp người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi, xã Hồng Ca tập trung tuyên truyền, triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ theo NQ 69 đến cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể, cán bộ chuyên môn tập trung hướng dẫn bà con đăng ký mô hình chăn nuôi, làm chuồng trại, mua con giống đảm bảo theo quy định, quy mô trong từng loại mô hình, thủ tục hồ sơ để được nghiệm thu; thực hiện giải ngân, hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, định mức, kịp thời.
Theo đó, đến nay, xã Hồng Ca đã phát triển được 17 mô hình chăn nuôi theo NQ 69 gồm: 10 mô hình chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trở lên/mô hình; 2 mô hình chăn nuôi lợn nội đặc sản, hữu cơ, 2 mô hình chăn nuôi lợn nái sinh sản; 2 mô hình chăn nuôi gà, 1 mô hình chăn nuôi vịt, tất cả đều phát triển ổn định, mang lại hiệu quả thiết thực.
Hộ bà Nguyễn Thị Lý, thôn Khe Cam, xã Hưng Khánh cũng từ động lực của NQ 69, đã mạnh dạn vay mượn vốn rồi đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm con giống để đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên/mô hình. Nhờ chú trọng phòng chống dịch bệnh, đói, rét cũng như chăm sóc nên đàn vật nuôi phát triển, sinh trưởng tốt với tổng đàn trên 20 con đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Từ hiệu quả sau 2 năm thực hiện mô hình chăn nuôi đại gia súc mang lại, hiện nay, bà Lý còn mạnh dạn thuê thêm đất để trồng cỏ và tiếp tục mở rộng quy mô đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung.
Với động lực của chính sách hỗ trợ theo tinh thần NQ 69, sau hơn 2 năm thực hiện, toàn huyện Trấn Yên đã phát triển được 212 mô hình chăn nuôi với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,211 tỷ đồng. Riêng năm 2023, trong đợt 1 đã triển khai giải ngân hỗ trợ xong cho 52 cơ sở với tổng kinh phí 1,41 tỷ đồng và dự kiến đợt 2 sẽ tiếp tục hỗ trợ 29 cơ sở với kinh phí 0,594 tỷ đồng.
Qua đó, đã góp phần nâng tổng đàn gia súc chính của huyện đạt 78.250 con, đàn gia cầm 1.768.300 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 7.130 tấn, góp phần quan trọng vào nâng cao đời sống nhân dân.
Châu Á