Hiện nay, lượng rác thải thông thường phát sinh trên địa bàn tỉnh Yên Bái là khoảng 425,3 tấn/ngày. Những năm qua, để thu gom, xử lý lượng rác thải này, tỉnh Yên Bái đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án về
tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư bổ sung các xe ép rác, xe chở rác, hàng nghìn xe đẩy tay chuyên dụng; hàng trăm tổ tự quản về vệ sinh môi trường được thành lập.
Nhờ đó, 9 tháng đầu năm 2023, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom ở khu vực đô thị đạt 92% và 50,7% ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có một thực tế mà tỉnh Yên Bái đã thẳng thắn thừa nhận rằng, về cơ bản, 22 bãi chôn lấp rác của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo ông Bùi Đoàn Như - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Yên Bái, hầu hết các bãi chôn lấp đều không hợp vệ sinh, không có hệ thống xử lý nước rỉ rác, không có biện pháp lót đáy, lót thành, phủ đất. 2 cơ sở xử lý rác thải mới chỉ thu gom được khoảng 1/3 lượng rác thải đang phát sinh mỗi ngày và khoảng 60% trong số đó được xử lý triệt để, còn lại vẫn là đốt và chôn lấp.
Để xử lý rác thải một cách lâu dài và bền vững, xây dựng nền KTTH đang được Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu hướng tới. Nếu như kinh tế sản xuất thông thường bắt đầu từ khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng là thải bỏ, thì KTTH hướng tới khôi phục và tái tạo để sản xuất các sản phẩm khác.
Qua đó, tận dụng được nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng thay vì tiêu tốn chi phí khai thác tài nguyên mới và chi phí xử lý chất thải.
Ở cấp độ gia đình và cấp cộng đồng, Yên Bái đã bước đầu tiếp cận với nền kinh tế này, thực hiện bắt đầu từ rác, biến rác thải từ "hiểm họa” trở thành "nguồn tài nguyên”. Quá trình này đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh.
Có thể kể đến một số mô hình đã mang lại hiệu quả như: mô hình xử lý rác thải thành phân vi sinh và hạt nhựa của Công ty cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái; sản xuất dầu FO-R từ các loại phế phẩm cao su của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi; sản xuất dây buộc, dây khâu từ nhựa tái chế của gia đình ông Nguyễn Hùng Cường ở thành phố Yên Bái…
Các mô hình này đã tái chế rác thải nhựa, nilon - một loại phế liệu rất khó phân huỷ thành các sản phẩm có giá trị, tiếp tục vòng đời phục vụ nhu cầu sử dụng của con người. Ngoài ra, còn có rất nhiều hộ nông dân đã tận dụng rác thải sinh hoạt, rác thải nông nghiệp để tái sử dụng hợp lý như: lắp đặt bể biogas để biến chất thải chăn nuôi thành khí đốt; mô hình trồng lúa, trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ tận dụng phụ phẩm rơm rạ từ trồng lúa làm giá thể trồng nấm, sau khi thu hoạch nấm bã rơm rạ lại trở thành phân bón; mô hình nuôi giun quế; mô hình làm hố ủ rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ…
Anh Trần Văn Thiện ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: "Nhiều năm nay, tôi trồng chanh tứ thời kết hợp với chăn nuôi thỏ và lợn thịt. Có những lúc trang trại của gia đình nuôi tới gần 1.000 con, trong đó, lợn khoảng hơn 100 con với 2 khu chăn nuôi riêng biệt, cách xa nhau. Mỗi khu chăn nuôi, tôi đều xây dựng hệ thống bể biogas riêng biệt, tránh trường hợp vượt khả năng xử lý của bể. Không chỉ có khí đốt thoải mái mà nước trong sau khi chảy qua nhiều bể lọc được chảy vào một bể chứa, để ủ tưới cho chanh, bưởi như một dạng phân bón rất tốt”.
Có thể thấy, áp dụng KTTH đã thay thế khái niệm kết thúc vòng đời của rác bằng khái niệm khôi phục, chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo và hướng tới giảm thiểu chất thải thải ra môi trường. Việc áp dụng mô hình quản lý rác thải theo KTTH là điều cần thiết cho kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái phát triển bền vững. Với KTTH, chúng ta hoàn toàn có thể giải bài toán xử lý rác thải nếu mỗi chúng ta chung sức, đồng lòng thay đổi hành động ngay từ hôm nay.
Hoài Anh