Theo rà soát của ngành nông nghiệp, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 400 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV có đăng ký và được quản lý theo quy định với khoảng hơn 300 loại thuốc đang lưu thông, được người dân sử dụng rộng rãi.
Với hàng trăm nghìn héc - ta đất sản xuất nông lâm nghiệp, trung bình một năm nông dân sử dụng hàng chục tấn thuốc BVTV các loại. Do quá trình sử dụng không đúng quy trình, không theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng nên một lượng lớn thuốc BVTV đã phát tán và tồn đọng trong môi trường đất, nước...
Đặc biệt, tại những cánh đồng lúa, thuốc BVTV được phun phòng, chống sâu bệnh trên đồng ruộng ở nhiều thời điểm khác nhau như: phun trừ cỏ, diệt trừ ốc bươu vàng trước khi cấy lúa; phun phòng chống sâu bệnh hại khi lúa mới cấy và phun khi lúa trổ đòng, khi lúa phơi màu... Mỗi vụ lúa, trung bình người nông dân phun thuốc BVTV từ 3 - 5 lần.
Không hiểu nhiều về phản ứng của các chất hóa học độc hại, nhiều hộ còn tự mua các loại thuốc khác nhau pha chế vào cùng một bình để phun phòng trừ sâu bệnh cho lúa. Cùng đó là tình trạng bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt tràn lan ngoài đồng ruộng và đây là loại rác thải nguy hại nhưng hầu hết không được xử lý.
Việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, đúng liều lượng, sử dụng loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp đang làm phát sinh hàng nghìn tấn chất thải nguy hại ảnh hưởng đến môi trường. Điều đáng nói nhất hiện nay là, nông dân lạm dụng phân hóa học, không coi trọng các loại phân hữu cơ khiến hệ sinh vật trong đất giảm dần, đất bị chai cứng, kết cấu đất bị phá vỡ, giảm khả năng giữ nước, biến đổi dinh dưỡng, gây thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng.
Trao đổi về vấn đề này, theo ông Phạm Đình Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, hằng năm, Chi cục thường xuyên triển khai tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sản xuất, cơ sở buôn bán, đơn vị có chức năng liên quan... về các quy định của Nhà nước, các biện pháp sử dụng phân cân đối, nguyên tắc sử dụng hóa chất BVTV.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát (KTGS) vẫn phát hiện tình trạng người nông dân sử dụng phân bón hoá học, hóa chất BVTV chưa đảm bảo theo quy định. Chủ yếu là việc lạm dụng phân bón vô cơ, hóa chất BVTV, dẫn tới tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu hiệu quả, không an toàn, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường sống bị ô nhiễm.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chi cục đã thực hiện đúng các chức năng quản lý nhà nước về thuốc BVTV như: quản lý sản xuất, buôn bán, sử dụng, bảo quản, vận chuyển, quảng cáo, tiếp nhận công bố hợp quy…
Tuy nhiên, việc quản lý và kiểm tra gặp nhiều khó khăn vì các cơ sở hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV nằm rải rác tại các xã trên địa bàn 9 huyện, thị, thành phố (trong đó có nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); dẫn tới việc đi lại, KTGS gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhân lực mỏng, kinh phí hoạt động không nhiều.
Có nhiều công ty tham gia cung ứng thuốc BVTV; tình trạng một hoạt chất quá nhiều tên thương phẩm. Trong khi trình độ hiểu biết của người nông dân còn hạn chế, gây khó khăn cho người sử dụng cũng như khó khăn cho công tác KTGS.
Sản xuất theo hướng an toàn, xanh, sạch, bảo vệ tính cân bằng của đất là điều quan trọng để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Để làm được điều này, trước tiên, mỗi người nông dân cần tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ để cải tạo đất. Việc bổ sung các loại phân bón hữu cơ sẽ làm tăng các loại vi sinh vật có ích trong đất. Các loại vi sinh vật này sẽ tiêu diệt các nấm bệnh, đảm bảo độ phì nhiêu cho đất. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng, nhân rộng các mô hình sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất; tích cực tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV đối với đất trồng cây nông lâm nghiệp; đồng thời, tăng cường quản lý, KTGS việc kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn...
Ngoài ra, nông dân cần chủ động tiếp thu những tiến bộ khoa học, kỹ thuật; tự giác nâng cao ý thức, nhận thức trong canh tác, sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng nồng độ, đúng liều lượng, đúng cách, đúng lúc); không vứt bao bì thuốc BVTV ra đồng ruộng, sông suối...
Việc sử dụng nguyên tắc "4 đúng" trong chăm sóc, bảo vệ mùa màng, không chỉ giảm tối đa chi phí cho sản xuất, mà còn làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là yêu cầu sản xuất của một nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững mà chúng ta đang hướng đến.
Hùng Cường