Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Đồng chí Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Xác định phát triển hạ tầng giao là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, thời gian qua huyện Văn Yên đã huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng xây dựng nông thôn mới.
Triển khai nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, trọng điểm, nhất là công trình chuyển tiếp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tổng vốn đầu tư phát triển từ đầu nhiệm kỳ tới nay đạt 7.608 tỷ đồng, bằng 50,7% mục tiêu Nghị quyết.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Yên có gần 10 công trình, dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai thi công, tiêu biểu như: Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Dự án đường kết nối Mường La (Sơn la), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC15). Dự án đầu tư xây dựng công trình đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) tuyến đường Đông An - Phong Dụ Thượng; tuyến đường Lâm Giang - Lang Thíp.
Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo tỉnh Yên Bái (Đoạn tuyến Khánh Hoà - Văn Yên). Đường nối tỉnh lộ 163 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Đường Yên Thái - Ngòi A - Quang Minh - An Bình). Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu vượt đường sắt khu vực xã An Bình, huyện Văn Yên và Dự án cải tạo đường nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15) …
Những dự án, công trình giao thông trọng điểm này được hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và tăng cường khả năng kết nối khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và công nghiệp của huyện.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm, huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án phát triển giao thông nông thôn, huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp nhân lực, vật lực, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, toàn huyện đã kiên cố hóa trên 338,9 km đường giao thông nông thôn.
Hiện nay, huyện tiếp tục triển khai kế hoạch làm đường giao thông nông thôn đợt 3 năm 2023 thực hiện trên địa bàn 17 xã với tổng mức đầu tư dự kiến trên 26,7 tỷ đồng; trong đó, kiên cố hóa mặt đường 37,635 km; mở rộng đường bê tông 1,5 km; mở mới và mở rộng nền đường 10,15 km và dự ước đến hết năm 2023 kiên cố hóa được 390 km đường giao thông nông thôn, bằng 111,4% mục tiêu nhiệm kỳ.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường kết nối Mường La (Sơn la), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (nút giao IC15).
Đẩy mạnh CCHC, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư cho phát triển
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, huyện Văn Yên cũng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn huyện để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Các cấp, ngành của huyện duy trì phong trào "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp”; phối hợp tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân”, thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, trao đổi thông tin với các doanh nghiệp, nhà đầu tư phối hợp giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.
Huyện đã thành lập Tổ công tác rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn huyện Văn Yên. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, toàn huyện đã thu hút được 14 dự án với tổng vốn đầu tư 3.743 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện lên 76 dự án với tổng vốn đầu tư 9.235 tỷ đồng.
Thực hiện các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân. Có thể kể đến HTX Du lịch Hạnh Phúc, xã Tân Hợp được thành lập đi vào hoạt động từ tháng 7/2023 đã thu hút được 7 thành viên tham gia. Ngành nghề kinh doanh chính là phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá đặc sắc của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Tày, Dao nơi đây với các dịch vụ du lịch sinh thái, homestay; du lịch trải nghiệm…
Ông Đặng Văn Thiên – Giám đốc HTX Du lịch Hạnh Phúc cho hay: "Quá trình thành lập HTX luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các phòng ban chuyên môn, chính quyền địa phương về các thủ tục pháp lý, cơ chế chính sách hỗ trợ đối với HTX. Đồng thời còn được đi thăm quan, học tập kinh nghiêm phát triển du lịch tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tôi mong rằng, HTX Du lịch Hạnh Phúc đi vào hoạt động hiệu quả, sẽ góp phần thu hút và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương”.
Đồng chí Lưu Hồng Minh - Chủ tịch UBD xã Tân Hợp cho biết: Để đưa HTX đi vào hoạt động, ngay từ năm 2022, xã Tân Hợp đã quan tâm tổ chức cho các thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại một số điểm du lịch sinh thái, cộng đồng trong và ngoài tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn HTX mở và chỉnh trang tuyến đường đi vào khu du lịch điểm sinh thái; xây dựng nhà sàn sinh hoạt cộng đồng phục vụ du khách; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu về điểm du lịch… đảm bảo cơ bản các điều kiện để HTX đi vào hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn toàn huyện hiện có 302 doanh nghiệp, 120 hợp tác xã, 724 tổ hợp tác đang hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực. Dự ước năm 2023, thành lập mới được 35 doanh nghiệp, bằng 108% mục tiêu nghị quyết; thành lập được 15 HTX, đạt 125% kế hoạch; 59 tổ hợp tác, đạt 118% kế hoạch; tăng 2 doanh nghiệp; tăng 1 HTX so với cùng kỳ 2022.
Văn Yên là một trong những địa phương nhiều năm liên tục giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI). Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Chỉ đạo giải quyết tốt các thủ tục hành chính tại Bộ phận phục vụ hành chính công cấp huyện, cấp xã, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Lãnh đạo UBND huyện Văn Yên trao đổi với đội ngũ cán bộ, công chức tại Lễ phát động "Tháng chuyển đổi số” của thị trấn Mậu A.
Quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực
Thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương, của tỉnh về khuyến khích phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Tỷ lệ cán bộ công chức có trình độ trên đại học trở lên 18 người, bằng 20,2%; tỷ lệ công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ cấp huyện có trình độ đại học trở lên 89 người, bằng 100%; tỷ lệ công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ cấp xã có trình độ đại học trở lên 229 người, bằng 91,97%; cao đẳng 8 người, bằng 3,21%; trung cấp 12 người, bằng 4,82%; phấn đấu đến 2025, có 100% cán bộ, công chức xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ từ đại học trở lên.
Tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý, có kỹ năng nghề phù hợp với nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trong đó, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường. Tăng cường công tác giới thiệu việc làm đa dạng bằng nhiều hình thức: tuyên truyền, giới thiệu bằng tờ rơi; các hội nghị, các phiên giao dịch việc làm; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội zalo, Facebook, Trang thông tin điện tử…
Huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tìm kiếm thị trường xuất khẩu lao động đối với nguồn nhân lực khu vực nông thôn, đặc biệt là nguồn nhân lực khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Dự ước năm 2023, số lao động được tạo việc làm mới 2.780 lao động, bằng 65,3% mục tiêu Nghị quyết, bằng 104,5% so với năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 73,2%, bằng 97,6% mục tiêu Nghị quyết, bằng 103,9% so với năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ ước đạt 36,4%, bằng 91% mục tiêu Nghị quyết, bằng 115,6% so với năm 2020.
Với những kết quả bước đầu đã đạt được trong thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược sẽ tạo tiền đề để huyện Văn Yên thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đề ra và phấn đấu đưa huyện Văn Yên trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2024.
Đức Toàn