Anh Giàng A Quang ở thôn Trung Tâm là thành viên tích cực của Ban Quản lý cộng đồng bảo vệ rừng thôn Trung Tâm. Sinh ra và lớn lên ở núi rừng Nà Hẩu, anh Quang hơn ai hết hiểu rừng có vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Mông nơi đây. Từ khi được nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng, anh cũng như rất nhiều người dân trong thôn vẫn sống dựa vào rừng nhưng không còn ăn vào rừng nữa.
Anh Quang chia sẻ: "Từ khi thành lập Khu bảo tồn, bản thân tôi và gia đình đã không còn chặt cây rừng về làm nhà nữa, chủ yếu là thay thế các vật liệu khác như tôn, sắt thép”. Với vai trò là Trưởng ban Quản lý cộng đồng bảo vệ rừng của thôn, anh cùng bà con mỗi tuần 2-3 lần đi tuần tra rừng, kịp thời phát hiện những vụ việc xâm lấn rừng. Anh thường xuyên trực tiếp vận động bà con tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt chi bộ, mời cán bộ kiểm lâm tới tuyên truyền cho bà con nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng.
Anh Quang cho biết: "Bà con ngày càng có ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt họ đã không đi phát phá rừng, khi phát hiện những trường hợp lấn chiếm rừng, người dân kịp thời báo cho chính quyền, cơ quan chức năng”.
Bảo vệ rừng là một trong những hoạt động tích cực của người dân Nà Hẩu tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên ở Nà Hẩu. Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, toàn dân tham gia bảo vệ rừng, UBND xã Nà Hẩu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.700ha rừng tự nhiên, rừng đặc dụng cho 3 thôn trên địa bàn xã. Đây là chỗ dựa vững chắc trong công tác bảo vệ Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên như khai thác gỗ, săn bắt động vật, phát, phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng.
Với người dân ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ nhà của mình, nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Bên cạnh đó, người dân Nà Hẩu cũng chú trọng đến việc duy trì hệ sinh thái địa phương. Họ không còn thực hiện săn bắn và đánh bắt trái phép, đồng thời thực hiện các biện pháp quản lý bền vững để đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa con người và thiên nhiên.
Anh Phạm Tiến Thịnh - Cán bộ kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Nà Hẩu chia sẻ: "Để có được nhận thức của bà con như hôm nay, chúng tôi đã có nhiều giải pháp, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương đến từng hộ dân vừa tuyên truyền, vừa nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; hỗ trợ bà con về mọi mặt như thông tin, pháp luật, tặng nhu yếu phẩm, định hướng sinh kế mới cho người dân... Với góc nhìn tổng thể về cộng đồng, người dân đã chấp nhận, đồng thuận, hỗ trợ bảo vệ rừng”.
Những năm gần đây, người dân Nà Hẩu cũng đã bước đầu làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái… nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Từ đó, bà con thấy cần bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên tốt hơn nữa.
Phó Chủ tịch UBND xã Sùng A Sà chia sẻ: "Đảng ủy chính quyền xã xác định công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng. Bởi khu bảo tồn sẽ là động lực để xã phát triển du lịch. Xã đã thành lập 3 ban bảo vệ rừng. Hàng tuần, hàng tháng có lịch phân công tổ nhóm đi tuần tra, bảo vệ canh gác các khu vực gần rừng. Đồng thời, xã cũng đã xây dựng, quy hoạch các khu vực phát triển du lịch”.
Với truyền thống sống dựa vào rừng của đồng bào Mông, chính quyền địa phương định hướng những sinh kế mới cho người dân. Đảng ủy, chính quyền khuyến khích ngươi dân di chuyển sống tập trung cùng tham gia phát triển kinh tế, khuyến khích người dân trồng các loại cây như: mận, cam quýt; xây dựng một số mô hình như: nuôi gà đen, cá tầm, ốc rạn… cho thu nhập ổn định.
Đến nay trên địa xã đã có hơn chục hộ bắt đầu xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đón tiếp các đoàn khách đến tham quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, trải nghiệm văn hóa bản địa. Thấy được hiệu quả kinh tế, bà con ngày càng tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của rừng.
Nhờ sự cống hiến và phối hợp chặt chẽ giữa người dân, lãnh đạo địa phương và các cơ quan quản lý môi trường, Nà Hẩu đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc bảo tồn thiên nhiên. Cảnh quan tự nhiên xanh tươi và đa dạng sinh học phong phú không chỉ là tài nguyên quý giá cho cộng đồng mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thiên nhiên. Người dân Nà Hẩu quyết tâm bảo vệ và bảo tồn được tài nguyên quý giá này.
Thanh Ba