Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có các đồng chí: Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thế Phước - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%.
Trong đó, một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%. Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành.
Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2023, nghiệm thu 55 nhiệm vụ KHCN và 59 dự án khuyến nông trung ương; trên cơ sở đó công nhận, ban hành 69 giống mới, 42 tiến bộ kỹ thuật, 19 quy trình công nghệ.
Bên cạnh đó, tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực nông nghiệp của tỉnh Yên Bái đạt 5,29%, đứng thứ 3 trong khu vực 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ, đứng thứ 10 so với toàn quốc; tỷ trọng ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra, năm 2023 chiếm trên 22% trong GRDP của tỉnh. |
Trong năm, ngành đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Ngành: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…
Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM. Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Năm 2024, ngành NN&PTNN đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3 - 3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt từ 54 - 55 tỷ USD. Phấn đấu 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn; nhất là "Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu trong năm 2024, ngành NN&PTNN cần tập trung đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức, kinh tế chia sẻ, coi đây là động lực mới cho xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái; tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đặc biệt là các quy hoạch; thực hiện đồng bộ hiệu quả các chương trình, dự án, đề án; tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với chuyển đổi số, kinh tế số.
Đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường ; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cùng các chương trình mục tiêu quốc gia khác; gắn kết cơ cấu lại ngành nông nghiệp với phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững…
Văn Thông