Thương lái "cười” vì thu lợi, người nuôi "khóc” vì thua lỗ
Năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao đã khiến ngành chăn nuôi trải qua một năm sóng gió, người nông dân chật vật với bài toán "đầu vào", "đầu ra", người nuôi hầu như không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), giá thức ăn chăn nuôi hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn và gia cầm trung bình cả năm 2023 vẫn cao hơn 0,7-3,5% so với năm 2021 khiến giá thành chăn nuôi có thời điểm lên đến 52.000-55.000 đồng/kg, trong khi đó, nhìn chung giá lợn hơi có xu hướng giảm so với năm trước, có thời điểm giá lợn hơi dao động trong khoảng 47.000-51.000 đồng/kg.
Khảo sát của PV Lao Động cho thấy, sau khi tăng nhẹ, giá lợn hơi bình quân trên cả nước đang ở mức 49.700 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi bán ra ở mức từ 48.000-52.000 đồng/kg, trong đó, trên cả nước chỉ có 2 địa phương bán được với giá 52.000 đồng/kg là Hưng Yên, Hà Nội và Tuyên Quang, còn các tỉnh khác đều bán ở mức từ 48.000-50.000 đồng/kg (tại khu vực phía Nam, chỉ duy nhất tỉnh Cà Mau bán được lợn hơi với giá 51.000 đồng/kg).
Các chủ trang trại cho hay, giá thành sản xuất 1kg lợn hơi dao động từ 45.000 (doanh nghiệp FDI, hoặc trang trại lớn hàng nghìn con) đến 52.000 đồng/kg (trang trại nhỏ), còn với các hộ nông dân nhỏ lẻ, giá thành nuôi lợn hơi ở mức 55.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn.
"Với mức giá này, các doanh nghiệp hầu như hòa vốn, còn các trang trại nhỏ chắc chắn thua lỗ. Giữa năm 2023, tôi nuôi 15 con lợn, mỗi con xuất chuồng bị lỗ gần 800.000 đồng nên không nuôi nữa” – ông Dương Minh Thành (xóm 6 Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An), cho hay.
Ông Nguyễn Hạnh (chăn nuôi lợn ở Mỹ Đức, TP Hà Nội) cũng cho biết, ông đã giảm 50% tổng đàn lợn để cắt lỗ do giá lợn hơi quá thấp, dù Tết Nguyên đán đang đến gần.
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững
Theo Bộ NNPTNT, ngành chăn nuôi trong nước đóng góp 25,26% vào GDP của ngành nông nghiệp. Hiện tại, Việt Nam là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn đứng thứ 5 thế giới về số lượng, và đứng thứ 6 về sản lượng thịt. Năm 2024, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu giá trị sản xuất tăng khoảng 4-5% so với năm 2023.
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) - nhấn mạnh: Để phát triển chăn nuôi bền vững, theo hướng tăng trưởng xanh thì có 3 trụ cột chính là giống, thức ăn, môi trường công nghệ. Với 3 trụ cột chính này, hiện nay Cục Chăn nuôi đang xây dựng đề án phát triển.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, phát triển ngành chăn nuôi phát triển toàn diện, hiệu quả, bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Chiến lược này nhằm mục đích phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn; gắn kết phát triển chăn nuôi với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và an toàn thực phẩm, đối xử nhân đạo với vật nuôi…
Ở góc độ người tiêu dùng, bà Hà Thị Thúy (xóm Chợ Sồng, Trực Ninh, Nam Định) đề nghị, tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng bền vững, Nhà nước cần cân đối tỉ lệ giá chênh lệch giữa lợn hơi và lợn thịt trên thị trường. Không để người nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt, trong khi ở phân khúc trung gian, người bán thịt lại thu lãi lớn, không có sự chia sẻ rủi ro cho nông dân.
Theo Bộ NNPTNT, sản lượng thịt hơi các loại vật nuôi xuất chuồng năm 2023 ước đạt 788,1 nghìn tấn, tăng 6,4% so với năm trước, dự báo Tết Nguyên Đán 2024, nguồn cung thịt rất dồi dào.
(Theo LĐO)