Năm 2017, ông Mùa Nhà Chua, HVND bản Màng Mủ, xã Mồ Dề được vay vốn từ nguồn QHTND huyện với số tiền vay 50 triệu đồng thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản. Từ số tiền được vay, ông Chua đã mua 15 con dê về nuôi. Được cán bộ HND huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, có bãi chăn thả và chăm chỉ làm ăn để quay vòng vốn, từ 15 con dê ban đầu, đến nay, đàn dê có gần 60 con, bình quân mỗi năm ông Chua xuất bán từ 15 - 20 con dê thịt và dê giống các loại. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông Chua khá dần lên, thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm.
Ông Chua cho biết: "Nguồn vốn vay từ QHTND thật sự là đòn bẩy để gia đình tôi có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tôi sẽ tập trung quay vòng đồng vốn để phát huy hiệu quả hơn nữa nhằm mở rộng quy mô phát triển kinh tế của gia đình”.
Ông Giàng A Sỉ, hội viên Chi hội Nông dân bản Chống Gầu Bua, xã Hồ Bốn cũng được vay 5 triệu đồng từ nguồn QHTND huyện đầu năm 2020. Với số tiền được vay, ông mua đôi lợn nái bản địa để chăn nuôi. Sẵn có kinh nghiệm lại được cán bộ HND tận tình hướng dẫn nên mô hình của ông Sỉ phát triển khá tốt. Hiện, ông luôn duy trì đàn lợn 20 con, mỗi năm ông bán 20 - 30 con lợn giống và lợn thịt các loại, thu nhập bình quân mỗi năm gần 100 triệu đồng. Từ hộ nghèo, đến nay, cuộc sống của gia đình ông Sỉ đã khá lên rất nhiều.
Ông Sỉ cho biết: "Tôi sẽ sử dụng vốn vay hiệu quả nhất để bảo đảm vốn sẽ sinh lời, ổn định kinh tế gia đình". Đó chỉ là hai trong số hàng chục mô hình phát triển kinh tế khá hiệu quả của các HVND được vay vốn từ nguồn QHTND huyện Mù Cang Chải.
Triển khai sử dụng nguồn QHTND, HND huyện Mù Cang Chải đã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng vốn của các hộ nông dân, hướng dẫn các hội viên thực hiện các mô hình để phát huy tối đa hiệu quả vốn vay. Công tác cho vay vốn được thực hiện theo quy định. Mỗi hội viên được vay tối đa 50 triệu đồng, lãi suất 0,7%/ tháng; trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm thời hạn chu kỳ dự án 24 tháng. Sau khi kết thúc dự án, nguồn vốn lại tiếp tục được luân chuyển đến các hộ gia đình HVND có nhu cầu vay nguồn vốn này. Hiện tại, tổng nguồn vốn QHTND huyện đang quản lý 514 triệu đồng.
Từ nguồn Quỹ này, Ban Điều hành QHTND huyện đã giải ngân cho 54 lượt hội viên nghèo vay để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn vốn này, trong toàn Hội đã phát triển được các mô hình kinh tế tiêu biểu như: mô hình nuôi dê của các hội viên Mùa Nhà Chua ở bản Màng Mủ, xã Mồ Dề, Chang A Sử ở xã Dế Xu Phình, Lý A Súa ở xã Khao Mang; mô hình trồng su su của hội viên Cứ A Của ở xã Hồ Bốn; mô hình chăn nuôi lợn của hội viên Sùng A Hua, xã Kim Nọi; mô hình chăn nuôi lợn rừng của hội viên Thào A Phổng, xã Nậm Khắt… . Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ HVND toàn huyện có mức sống khá và giàu chiếm trên 60%, mức sống nghèo trong toàn hội viên giảm còn dưới 20%.
Ông Trương Đăng Hùng - Chủ tịch HND huyện cho biết: "Để đồng vốn phát huy hiệu quả, hàng năm, Ban Chấp hành Hội đã chú trọng khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho các hội viên thực hiện tốt mô hình; tiếp tục thực hiện xây dựng, tăng trưởng nguồn QHTND; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sản xuất, kinh doanh giỏi điển hình có chiều sâu và bền vững, làm chuyển biến nhận thức của đông đảo cán bộ, HVND về phát triển kinh tế - xã hội; khích lệ, động viên nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, quyết tâm vượt khó, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất”.
Thanh Tân