Nhận thấy trồng quế không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư thấp, có đầu ra ổn định, năm 2005, gia đình ông Triệu Văn Lai, thôn Bản Lạn, xã Trúc Lâu chuyển đổi 10 ha rừng sang trồng quế. Đến nay, từ bán đồi quế, gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng, trở thành hộ có thu nhập ổn định từ kinh tế rừng.
Ông Lai cho biết: "Những năm trước, gia đình tôi trồng keo nhưng hiệu quả không cao. Nhờ mạnh dạn chuyển sang quế, qua nhiều năm tích cực chăm sóc, đến nay, đã đem lại lợi nhuận giúp gia đình có cơ ngơi vững chắc”.
Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Trúc Lâu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng tối đa lợi ích từ rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Trúc Lâu cho biết: "Cùng với duy trì tốt công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các giống cây lâm nghiệp có giá trị, mang lại nguồn thu ổn định. Hiện, toàn xã có 917,3 ha rừng phòng hộ, hơn 600 ha rừng tự nhiên sản xuất, hơn 600 ha rừng trồng. Từ phát triển kinh tế rừng, nhiều hộ đã xây được nhà, nuôi con ăn học và vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng”.
Cùng với Trúc Lâu, những năm qua, xã Phúc Lợi cũng phát huy lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng để đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, mang nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Ông Thiều Văn Chạn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thời gian qua, xã đã chỉ đạo xây dựng một số giải pháp mang tính chiến lược như: quy hoạch cơ cấu vùng cây trồng hợp lý để tạo vùng trồng tập trung, ổn định; hỗ trợ các chính sách ưu đãi vay vốn cho người dân trồng rừng; cải thiện chất lượng giống cây lâm nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; áp dụng các biện pháp canh tác lâm nghiệp tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng…
"Bên cạnh đó, xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở các khu dân cư. Đến nay, xã thành lập 6 tổ hợp tác trồng rừng; qua đó, thúc đẩy phát triển trồng rừng, hình thành vùng nguyên liệu cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến và xuất khẩu” - ông Chạn nói.
Xã Phúc Lợi hiện có tổng diện tích tự nhiên 8.353 ha; trong đó, diện tích đất rừng tự nhiên 2.884 ha, đất rừng trồng sản xuất 3.895 ha. Trong năm 2023, toàn xã trồng mới trên 320 ha rừng; trong đó, quế trên 90 ha, còn lại là keo, bồ đề, xoan mỡ.
Lục Yên là địa phương có diện tích rừng lớn, với trên 81.000 ha; trong đó, diện tích rừng sản xuất hơn 13.000 ha. Từ lợi thế đó, những năm qua, nhiều người dân trên địa bàn huyện tập trung vào trồng rừng, gia tăng diện tích, nâng cao phẩm cấp rừng trồng; từ đó, đem lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Diện tích rừng trồng tập trung nhiều nhất tại các xã: Trung Tâm, Phúc Lợi, Động Quan, Trúc Lâu...
Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, không ít hộ đã tự bỏ vốn để trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Nhờ vậy, chỉ tiêu trồng rừng mới hàng năm của huyện đều vượt từ 15 - 20% kế hoạch, năm 2023 toàn huyện trồng mới trên 2.600ha, sản lượng khai thác gỗ đạt trên 146 nghìn mét khối; tỷ lệ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 68%.
Ông Lương Ngọc Sơn - Phó Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên cho biết: "Để trồng rừng hiệu quả, hàng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp với phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc cây lâm nghiệp; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ rừng. Nhờ khai thác lợi thế phát triển kinh tế đồi rừng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện”.
Qua đánh giá, trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua đã góp phần làm cho diện mạo nông thôn ở Lục Yên khởi sắc rõ rệt, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật, chế độ, chính sách lâm nghiệp trên địa bàn, phát triển trồng rừng gỗ lớn, khuyến khích người dân kéo dài chu kỳ khai thác; từ đó, tạo nguồn gỗ chất lượng, gia tăng sản lượng; đồng thời, đưa các loại cây có giá trị, đặc biệt là cây dược liệu trồng dưới tán rừng, hình thành các mô hình nông lâm nghiệp kết hợp…
Hùng Cường