Vùng cao Yên Bái tập trung canh lửa rừng trong thời tiết khô nóng, gió mạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/2/2024 | 2:33:59 PM

YênBái - Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, đặc biệt là các huyện, thị phía Tây, nhất là hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải những ngày qua thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài, gió lào thổi mạnh cùng tập quán đốt nương làm rẫy của người dân địa phương nên đã gây ra một số vụ cháy rừng.

Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải nỗ lực dập tắt đám cháy rừng
Cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải nỗ lực dập tắt đám cháy rừng

Đến giờ nhiều người dân ở các bản Háng Phừ Loa (Mồ Dề), Nả Háng (Chế Tạo) và khu vực Đề Dua giáp ranh xã Lao Chải và Chế Tạo vẫn chưa hết bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến 3 vụ cháy (từ ngày 19 đến 21/2) làm thiệt hại nhiều diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng tự nhiên.

Ông Vàng A Rua ở xã Chế Tạo cho biết: "Khi phát hiện đám cháy rừng tại bản Nả Háng, người dân chúng tôi đã kịp thời có mặt để tham gia công tác chữa cháy”.

Chủ tịch UBND xã Chế Tạo Sùng A Dinh nhớ lại: "Vào khoảng 15 giờ 00 phút ngày 20/2, tại khu vực Đề Dua giáp ranh xã Lao Chải và xã Chế Tạo xảy ra cháy làm thiệt hại 9ha diện tích cỏ lau lách, đất trống. Khi nhận được tin báo cháy, quyền quyền địa phương đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm, các ban, ngành, đoàn thể Lao Chải và Chế Tạo, đồng thời huy động trên 400 người chia thành 6 mũi tiến hành chữa cháy. Do địa hình phức tạp, khó tiếp cận đám cháy nhưng nhờ áp dụng triệt để các biện pháp và phương châm "4 tại chỗ” nên đến hơn 12 giờ ngày 21/2, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn”.

Ông Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Ngay sau khi xảy ra cháy, huyện Mù Cang Chải đã huy động 800 người tại các địa phương gồm người dân địa phương, lực lượng dân quân và kiểm lâm, công an, quân đội kịp thời kiểm soát và dập tắt. Nhờ vậy, cả 3 vụ cháy rừng trên đều được dập tắt ngay trong ngày”.

Theo ông Dưỡng, nguyên nhân dẫn đến cháy rừng là do thời tiết khô hanh, gió lào thổi mạnh cộng với thảm thực bì dày do cây tầng thấp chết trong đợt rét đậm, băng giá vừa qua khiến đám cháy lan rộng và một phần do cháy rừng từ xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) lan sang.

Còn tại huyện Trạm Tấu, vào 15h ngày 19/2, tại thôn Mù Thấp, xã Bản Mù cũng đã xảy ra vụ cháy rừng phòng hộ, làm hơn 2 ha bị thiệt hại.  Ông Vũ Trọng Huân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trạm Tấu cho biết: "Phát hiện vụ cháy, chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng công an, quân sự, nhóm bảo vệ rừng và hơn 100 người dân tham gia ứng phó dập lửa nên đến 17h cùng ngày đám cháy đã được dập tắt ”.

Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn hai huyện vùng cao Mù Cang Chải, Trạm Tấu đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 15 ha, chủ yếu là rừng trồng, đất trống, cỏ lau lách, rừng tái sinh và một số diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ. Tuy không thiệt hại quá lớn về kinh tế nhưng đây là lời cảnh báo cho các địa phương, cơ quan chức năng liên quan cũng như người dân về việc không thể lơ là, chủ quan  trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là trong thời điểm mùa khô, gió lào thổi mạnh, cây cối bị chết khô trên nhiều vùng núi cao sau đợt băng giá hồi đầu năm. 

Trước nguy cơ cháy rừng cao trong mùa khô, huyện Trạm Tấu đã ban hành công văn chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy rừng, trong đó yêu cầu các ngành chức năng, chính quyền địa phương các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bố trí lực lượng trực gác 24/24h để kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu vực trọng điểm dễ cháy; chủ động sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực tham gia chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ” khi có tình huống xảy ra.


Cán bộ xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải dùng loa phóng thanh tuyên truyền cho người dân về công tác phòng chống chữa cháy rừng. 

Ông Phạm Tiến Lâm - Bí thư Đảng ủy xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết: "Hiện trên địa bàn xã có nhiều khu rừng có nguy cơ cháy cao. Đảng ủy đã ra nghị quyết phân công nhiệm vụ cụ thể và  tổ chức các đội tuần tra thường xuyên, trực 24/24 để tuyên truyền bảo vệ rừng, lập các chốt kiểm tra người vào rừng, kiểm soát việc đốt nương rẫy; hàng ngày phân công các đồng chí trong cấp ủy phụ trách xuống tận bản, nhà dân và cử cán bộ dùng loa thông báo cho đồng bào về nguy cơ cháy rừng để có phương án ứng phó kịp thời nếu xảy cháy, đặc biệt yêu cầu tuyệt đối không đốt thực bì để canh tác nương rẫy vào thời điểm này”. 

Toàn tỉnh Yên Bái có diện tích đất rừng là 434.646,2 ha; trong đó: rừng tự nhiên 217.358,0 ha, rừng trồng 217.288,2 ha; tỷ lệ che phủ rừng 63%.

Các tỉnh miền núi đang mùa khô hanh, diễn biến thời tiết phức tạp, nắng nóng, khô hanh kéo dài cùng với gió Lào thổi mạnh nên trong những ngày qua cũng đã xảy ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Tại tỉnh Yên Bái, nhất là các huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu cũng đang nắng nóng, khô hanh, đặc biệt vào thời điểm người dân đang xử lý thực bì để canh tác nương rẫy. Vì vậy, cùng với việc điều ra, xác minh làm rõ nguyên nhân các vụ cháy rừng vừa xảy ra, các địa phương cũng đang tập trung nhiều giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, yêu cầu nhân dân, nhất là đồng bào ở gần rừng nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng. Các địa phương tiếp tục củng cố kiện toàn ban chỉ huy phòng cháy chữa cháy rừng từ cấp huyện đến cấp xã và xác định vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng để tổ chức phương án trực 24/24 và huy động lực lượng chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ”.

Đồng chí Kiều Tư Giang- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Hiện, ngành đã khuyến nghị chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, thôn bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân nâng cao nhận thức trong việc canh tác nương rẫy, hạn chế thấp nhất việc sử dụng lửa để đốt dọn thực bì làm nương; kiểm soát chặt chẽ không để người dân vào rừng để lấy mật ong, thu hái lâm sản ngoài gỗ (cây thuốc, dược liệu) trong những ngày khô hanh, nắng nóng kéo dài; khi người dân có nhu cầu đốt dọn thực bì phải báo cáo trưởng thôn, kiểm lâm địa bàn để được hướng dẫn hỗ trợ việc sử dụng lửa an toàn...”.

Cùng với những khuyến cáo trên, ngành kiểm lâm Yên Bái cũng đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân và chủ rừng về công tác bảo vệ rừng; đối với các khu vực có nguy cơ cháy rừng, phải tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày nắng nóng; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, hậu cần theo phương châm "4 tại chỗ”. 

Ngành cũng cùng với chủ rừng hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy định phòng chống chữa cháy rừng như: củng cố, tu sửa các đường băng cản lửa, các bảng biển, nội quy, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; tiến hành rà soát thống kê diện tích nương rẫy gần rừng có nguy cơ  cháy cao để tổ chức cưỡng chế đốt hoặc đốt có kiểm soát… nhằm hạn chế mức thấp nhất các thiệt hại do cháy rừng gây ra. 

Văn Tuấn

Tags Yên Bái cháy rừng Chế Tạo Hồ Bốn Lao Chải

Các tin khác
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm chè Shan Phình Hồ cho lãnh đạo huyện Trạm Tấu năm 2021.

Bao đời nay, giữa bạt ngàn núi rừng, mặc cho khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, người Mông ở Phình Hồ, huyện Trạm Tấu vẫn luôn gắn bó mật thiết với cây chè Shan tuyết. Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Phình Hồ tiếp tục đưa cây chè trở thành một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng.

Anh Hoàng Đình Hiếu - quản lý Trại nuôi cá tầm Bản Nả giới thiệu với lãnh đạo huyện Trấn Yên và xã Việt Hồng về quy trình nuôi cá tầm tại cơ sở.

Nằm dưới chân núi Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh trong lành thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản đặc sản, trong đó có cá tầm. Đây là loại cá dễ tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao.

Đến nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

Năm 2023, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Yên Bái tăng 5,29%, nằm trong top 10 toàn quốc và đứng thứ 3 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đóng góp quan trọng tăng trưởng GRDP toàn tỉnh.

Cán bộ kiểm lâm huyện Lục Yên hướng dẫn người dân trồng rừng

Năm 2023, toàn huyện trồng mới trên 2.600ha, sản lượng khai thác đạt trên 146 nghìn mét khối; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 68%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục