Trung Tâm phát huy thế mạnh để giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2024 | 1:53:06 PM

YênBái - Với lợi thế nằm trên trục quốc lộ 70, giao thông thuận lợi, những năm qua, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên đã phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh tại chỗ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Lực lượng kiểm lâm cùng nhân dân trong xã tham gia tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm cùng nhân dân trong xã tham gia tuần tra bảo vệ rừng.


Ông Lê Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Trung Tâm cho biết: "Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các tín dụng chính sách như: vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi trong các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh,... tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, xã còn phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề, từng bước nâng cao kiến thức cho người dân trong áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng hiệu quả kinh tế”.

Phát huy lợi thế về đất lâm nghiệp, có độ che phủ rừng hiện đạt 78% với 903 ha là rừng tự nhiên sản xuất và 2.762 ha rừng trồng sản xuất, ngoài cây công nghiệp lâu năm gồm 5 ha chè và 47 ha cây ăn quả, xã khuyến khích nhân dân phát triển các loại cây trồng như quế, bồ đề, keo, mỡ, xoan; trung bình hàng năm cho khai thác từ 220 - 240 ha, sản lượng gỗ đạt trên 13.450 m3; khai thác tre, vầu, nứa đạt hơn 2.000 m3 mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho nhân dân.

Đồng thời, hàng năm nhân dân cũng tích cực chuẩn bị giống trồng mới lại toàn bộ diện tích đã khai thác đảm bảo duy trì bộ che phủ của rừng. Ngoài diện tích rừng sản xuất, xã tích cực phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái hướng dẫn cộng đồng dân cư xây dựng phương án, quy chế quản lý, bảo vệ diện tích rừng đủ điều kiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng như hướng dẫn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm, góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân.

Cùng với đó, xã luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các loại giống lúa lai, lúa thuần như giống Nhị ưu 838, Thái xuyên 111, Hương chiêm... vào gieo cấy với tổng diện tích lúa nước cả năm 147 ha, năng suất trung bình 55,2 tạ/ha; diện tích ngô 329,8 ha, năng suất ước đạt 39 tạ/ha, giúp duy trì tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm của xã đảm bảo từ 2.097 tấn trở lên.

Đối với các diện tích cây lâm nghiệp sau khai thác và mới trồng lại khi cây chưa vào chu kỳ khép tán, nhân dân chủ động trồng gần 100 ha sắn cùng nhiều diện tích  khoai lang, khoai tím, rau màu các loại xen canh tăng thêm nguồn thu nhập. Nhiều hộ dân có điều kiện về đất đai, ao, hồ phù hợp đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Xã chú trọng quan tâm tư vấn, định hướng các thế mạnh địa phương, tạo mọi điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Riêng năm 2023, đã giải ngân trên 10,2 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn xã lên hơn 37,2 tỷ đồng, giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư trồng rừng, phát triển chăn nuôi. Đối với đàn vật nuôi, xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch bệnh thường gặp cho đàn đại gia súc.

Trong năm 2023, xã đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi và thủy sản theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh và đã thực hiện được 2 mô hình, gồm 1 mô hình chăn nuôi lợn kết hợp với quy mô 50 lợn thịt và 5 lợn nái và 1 mô hình chăn nuôi trâu 10 con trở lên/mô hình, góp phần duy trì tổng đàn gia súc chính đạt 4.987 con. Trong đó, đàn trâu, bò 830 con; đàn lợn, dê 4.157 con và đàn gia cầm các loại 27.300 con với tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 360,5 tấn/ năm; duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản là 7,3 ha,  sản lượng thủy sản đạt hơn 42 tấn.

Nhờ phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh tại chỗ vào phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Trung Tâm đã từng bước được cải thiện qua từng năm. Hết năm 2023, tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 4.43 tỷ đồng; giảm được 9,76% hộ nghèo so với năm 2022; số hộ nghèo của xã giảm còn 132 hộ, chiếm 12,36%; 8/8 thôn đạt danh hiệu "thôn văn hóa”, 988 hộ đạt danh hiệu "gia đình văn hóa”, đạt 92,5%... Đây là tiền đề quan trọng để xã Trung Tâm quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu năm 2024, phấn đấu đạt và vượt 100% các chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế - xã hội được giao. 

Châu Á

Tags Trung Tâm giảm nghèo bền vững Lục Yên đất Ngọc trồng rừng gia đình văn hóa

Các tin khác
Giá vàng tăng mạnh trở lại.

Sáng nay (23/2), giá vàng trong nước bất ngờ tăng mạnh, với mức tăng 800.000 đồng/lượng. Giá vàng SJC lên 78,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua vào - bán ra tăng lên mức 2,2 triệu đồng/lượng.

Luật Đất đai 2024 quy định chi tiết các trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không có giấy tờ sẽ được cấp sổ đỏ

Luật Đất đai năm 2024 sẽ xem xét cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ đến trước ngày 1/7/2014, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là không có tranh chấp.

Các nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh được giới thiệu, bày bán tại Trung tâm Thương mại Big C Thăng Long Hà Nội.

Sau hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ngành nông nghiệp Yên Bái đã giúp từng bước hình thành nét đẹp văn hóa trong sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản của tỉnh.

Đồng chí Giàng A Câu - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh (hàng đứng, thứ ba phải sang) và các thành viên đại diện chứng kiến việc trao vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân cho các hội viên.

Ngày 22/2, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho 10 hộ dân xã An Phú, huyện Lục Yên thực hiện Dự án “Chế tác đá mỹ nghệ”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục