Đến trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Đài ở thôn Văn Quỳ, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái vào một buổi chiều khi 2 vợ chồng ông đang ruôi sắn để ủ làm thức ăn chăn nuôi cho lợn, gà và cá.
Dừng tay đưa chúng tôi đi thăm quan trang trại rộng gần 6 ha, ông Đài cho biết: "Hiện gia đình đang có 500 gốc ổi, trên 100 con lợn thịt, 20 con lợn nái và trên 600 con gà, vịt. Toàn bộ được khép kín trong diện tích trên nên mình chủ động được trong khâu phòng chống dịch bệnh cho đàn lợn và gia cầm. Tôi cũng tận dụng được tối đa nguồn chất thải làm phân bón cho cây trồng, vừa bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm chi phí”.
Với diện tích trồng ổi hiện có, nhiều năm nay, ông Đài luôn tuân thủ tiêu chí "3 không” (không thuốc trừ sâu, không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc bảo quản). Theo đó, để cây trồng phát triển tốt, ít dịch bệnh, ông Đài đã thực hiện nuôi gà thả vườn.
Cách làm này vừa tạo được không gian cho vật nuôi vận động để chất lượng thịt thơm, ngon vừa giảm công làm cỏ. Bên cạnh đó, ông còn tự ủ phân bón hữu cơ bằng chính chất thải trong quá trình chăn nuôi và lượng lá ổi khi cắt, tỉa cây. Việc tăng cường áp dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất cho cây trồng không chỉ giúp gia đình ông Đài tiết kiệm chi phí, đảm bảo chất lượng quả ổi sạch cho thị trường mà năng suất cây ổi của gia đình tăng hơn khoảng 5% so với phương pháp canh tác của nhiều hộ khác.
Để có được những sản phẩm sạch, ngoài tuân thủ các quy trình nuôi an toàn, toàn bộ chất thải chăn nuôi sau khi được xử lý qua hầm biogas, gia đình ông tiến hành ủ với chế phẩm vi sinh để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Đồng thời, ông Đài cũng dành nhiều thời gian nghiên cứu và tự "điều chế” ra một loại nước uống nhằm phòng bệnh cho vật nuôi từ các chế phẩm sinh học EM, rỉ mật… loại nước uống này giúp vật nuôi đào thải một số loại bệnh về đường tiêu hóa, hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi.
Nhờ áp dụng hiệu quả các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi từ ủ chất thải bằng chế phẩm vi sinh hay xây dựng bể lắng sau công trình biogas và bể hòa loãng để sử dụng bơm tưới cho cây trồng. Phương pháp này không chỉ cải tạo đất, giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu, bệnh hại, nâng cao năng suất cho cây trồng mà còn là cách hướng đến hình thức sản xuất nông nghiệp xanh, giải bài toán cho thị trường đầu ra ổn định.
Ông Đài chia sẻ: "Hiện nay, điều kiện sống của người dân ngày càng cao, yêu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khỏe con người cũng nâng lên. Do đó, những người nông dân như chúng tôi cũng phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như tưới nước tự động bằng hình thức nhỏ giọt, bón phân hữu cơ vi sinh... Hiện với 500 gốc ổi cho thu hái từ tháng 3 đến tháng 12, sẽ cho tổng thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.
Theo ông tính toán, hàng năm thu nhập từ mô hình kinh tế trang trại khép kín như nhà ông cũng cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng. Với mô hình trang trại khép kín, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, gia đình ông Đài không chỉ mở rộng được quy mô phát triển kinh tế mà còn bảo vệ được môi trường, sức khỏe cộng đồng, tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí mua phân bón.
Từ thực tế cho thấy, mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã góp phần tạo ra hệ sinh thái khép kín, gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp.
Để thúc đẩy những mô hình kinh tế này, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái tiếp tục xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt; áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm biogas, sử dụng làm nguyên vật liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất; khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng phế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.
Cùng với đó, phát triển các công nghệ mới áp dụng trong kinh tế tuần hoàn nhất là đối với tỉnh miền núi như Yên Bái để hình thức sản xuất này được áp dụng ở tất cả các nông hộ, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chứ không chỉ dừng lại ở những mô hình kinh tế gia đình hay những trang trại nhỏ như hiện nay.
Hồng Duyên