Bản Lìm Thái, xã Cao Phạ được giao khoán trên 821 ha rừng. Trong những ngày này, thời tiết nắng nóng gay gắt, cộng với gió lào thổi mạnh, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, Chi bộ bản đã thường xuyên tổ các cuộc họp nhằm quán triệt các đảng viên trong Chi bộ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người thân trong gia đình cũng như người dân về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
Đồng chí Lù A Bỉnh - Bí thư Chi bộ bản Lìm Thái cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy rừng ở một số xã trên địa bàn huyện trong thời gian qua, hiện nay chúng tôi cắt cử người trực 24/24h ngay tại cửa đi vào rừng để kiểm tra nắm rõ người đi vào rừng và ghi tên cụ thể ngày, giờ đi, về. Cùng với đó, Chi bộ tăng cường dùng loa cầm tay thường xuyên tuyên truyền người dân không được mang lửa vào rừng; vào thời gian cao điểm gió thổi mạnh không được đốt nương và khi phát hiện có khói, lửa ở đâu cần báo ngay cho bản để xác minh và kịp thời có phương án dập tắt, không để lây lan ra diện rộng”.
Bà Giàng Thị Sông, bản Lìm Thái, chia sẻ: "Được sự hướng dẫn cán bộ kiểm lâm và cán bộ của xã, cứ đến mùa khô hạnh, tôi và người dân trong bản tập trung phát dọn cỏ, thu dọn thực bì, làm đường băng cản lửa; tuyệt đối không đốt nương làm rẩy. Người dân trong bản luôn tập trung cao độ để giữ rừng nên nhiều năm qua những khu rừng do dân bản quản lý chưa xảy ra cháy”.
Điều này cũng được ông Giàng A Xa - Trưởng bản Tà Dông khẳng định: "Nếu để xảy ra cháy rừng thì đồng bào trong bản là những người phải chịu thiệt thòi đầu tiên. Chính vì vậy, 100% hộ dân trong bản luôn quyết tâm giữ rừng bằng cách tăng cường tuần tra, canh gác, trang bị thiết bị quan sát từ xa để phát hiện, xử lý sớm các sự cố; tuyệt đối không mang lửa và các vật dụng dễ cháy vào rừng, không đốt ở gần rừng khi thu dọn trong quá trình sản xuất, đặc biệt là những hộ sinh sống, sản xuất ở ven rừng”.
Xã Cao Phạ có 1.171 hộ, 6.039 người, sinh sống ở 7 thôn, bản. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 72,7%, dân tộc Thái chiếm 26%, dân tộc khác chiếm 1,3%. Cao Phạ có địa hình đồi núi chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Đặc biệt, hàng năm vào mùa đông trên địa bàn xã thường xuyên xuất hiện băng giá, thậm chí có nhiều điểm xảy ra hiện tượng băng tuyết, làm nhiều cây cỏ, thảm thực vật bị chết khô. Đây là nguyên nhân chính dễ gây ra cháy rừng vào mùa khô hanh.
Đồng chí Đinh Thu Hường - Chủ tịch UBND xã Cao Phạ cho biết: "Trên địa bàn xã có hơn 5.130 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất (trong đó: 4.806 ha rừng phòng hộ và trên 324 ha rừng sản xuất). Địa hình đồi núi cao, dốc hiểm trở, đồng bào sinh sống không tập trung, tập quán canh tác đa phần chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp; nhân dân có lúc còn chủ quan, chưa chấp hành tốt các quy định về đốt nương làm rẫy nên việc gây cháy rừng và cháy lan vào rừng luôn có thể xảy ra.
Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai nhiệm vụ bảo vệ rừng mùa khô hanh năm nay, UBND xã đã chỉ đạo các thành viên Ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục phân công trực ban 24/24h, cử người thay phiên nhau trực tại chòi canh lửa ở bản Tà Chơ; đồng thời phối hợp với kiểm lâm địa bàn, công an xã, cán bộ ban quản lý rừng phòng hộ thường xuyên tuần tra, kiểm tra, canh gác tại các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng”.
Cùng với đó, xã phối hợp với các lực lượng có liên quan chỉ đạo các bản tu sửa trên 8km đường băng cản lửa phân chia ranh giới giữa các bản, giữa các loại rừng; chủ động điều kiện đảm bảo phương châm "bốn tại chỗ” (phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó mọi tình huống xảy ra.
Anh Nguyễn Thành Vinh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Cao Phạ cho biết: "Thực hiện sự phân công của Hạt Kiểm lâm huyện, hàng năm, chúng tôi đã tham mưu cho xã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về khai thác lâm sản; thành lập các tổ đội xung kích, tổ chức họp tuyên truyền cho người dân và ký cam kết về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, đồng thời phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn để cùng với các hộ dân trực tại các điểm ra, vào rừng để nắm bắt lượng người ra vào, nhất là tại những điểm có nguy cơ cháy cao”.
Việc nâng cao nhận thức cho người dân trong xã về bảo vệ rừng khi cuộc sống của họ chủ yếu vẫn dựa vào tài nguyên rừng và được hưởng lợi trực tiếp từ tiền dịch vụ môi trường rừng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với phương châm "phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả” sẽ giúp Cao Phạ tăng tỷ lệ che phủ của rừng, thúc đẩy du lịch của xã nói riêng và huyện vùng cao Mù Cang Chải nói chung, nhất đây lại là địa bàn sở hữu vẻ đẹp đèo Khau Phạ- một trong "Tứ đại đỉnh đèo" của Tây Bắc với các hoạt động du lịch đang rất phát triển.
Văn Tuấn