Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giao thông đã được đánh giá là một trong những tiêu chí khó, bởi cần rất nhiều vốn đầu tư cũng như nguồn lực và sự ủng hộ trong nhân dân. Song, đây lại là tiêu chí cần phải thực hiện ngay, bởi giao thông đi trước sẽ mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn.
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện, thông qua các cuộc họp của xã, thôn, các tổ chức chính trị và hệ thống truyền thanh xã, các xã trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thông tin về chủ trương, mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực cho nhân dân khi các tuyến đường được đầu tư. Trực tiếp các đồng chí cán bộ chủ chốt xã, các tổ chức đoàn thể cùng với cán bộ thôn, người uy tín còn đến từng hộ gia đình gặp gỡ, làm công tác tuyên truyền, vận động.
Quá trình xây dựng đều dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân: nhân dân cũng được biết, được bàn, tham gia ý kiến, phát huy dân chủ. Do làm tốt công tác tuyên truyền, chủ trương xây dựng và phát triển giao thông nông thôn (GTNT) nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.
Nhiều tuyến đường mà chi phí giải phóng mặt bằng chỉ 0 đồng xuất hiện ngày càng phổ biến. Phong trào hiến đất, hiến công làm đường cũng trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lan toả từ vùng thấp đến vùng cao.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, toàn tỉnh đã có gần 13.500 hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật tư, công trình trên đất phục vụ xây dựng NTM, nhất là làm đường GTNT, trị giá quy đổi trên 600 tỷ đồng. Phát triển GTNT còn được các địa phương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện.
Tại một số xã vùng cao gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân thì cấp ủy, chính quyền địa phương còn nhanh nhạy, sáng tạo để có nguồn lực đầu tư cho GTNT.
Bà Chu Thị Huế - Phó Bí thư Đảng ủy xã Suối Bu, huyện Văn Chấn cho biết: Địa phương có ít đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo cao nên một số thôn mặc dù rất đồng thuận chủ trương làm đường GTNT, tích cực hiến đất, hiến công nhưng lại không có tiền để đóng góp. Bởi vậy, với sự phát triển của mạng xã hội, xã đã chủ động tìm kiếm, kết nối với nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện trên toàn quốc để hỗ trợ nhân dân mở rộng, bê tông đường GTNT.
2 năm trở lại đây, nguồn lực này đã giúp xã bê tông được hơn 3 km đường trục thôn và làm cống rãnh ở một số thôn. Trước đó, xã đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới cũng đã triển khai bê tông được khá nhiều tuyến đường ngắn, rải rác ở khắp các thôn. Nhờ đó, năm vừa qua, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông này”.
Nhiều thôn vùng đặc biệt khó khăn còn đồng thuận sử dụng kinh phí từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng để có kinh phí xây dựng GTNT. Có thể thấy, sự đồng thuận của nhân dân cùng sự khéo léo huy động lồng ghép mọi nguồn lực, nhất là Đề án phát triển GTNT đã giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh hoàn thiện 4 chỉ tiêu đánh giá của tiêu chí giao thông.
Riêng năm 2023, toàn tỉnh Yên Bái đã kiên cố hóa thêm 549,8 km mặt đường bê tông xi măng, trong đó: 59,4 km đường loại 1 với bề rộng mặt đường từ 3,5 - 4,5 m và 490,4 km đường loại 2 với bề rộng mặt đường từ 2 - 3 m; mở rộng nền đường, mặt đường bê tông xi măng là 43,2 km; mở mới, mở rộng 92,8 km đường đất.
Nhờ đó, tổng chiều dài đường GTNT được kiên cố hóa nâng lên 6.020,9 km, đạt tỷ lệ 74,6%. Toàn tỉnh cũng đã có 114/150 xã đạt tiêu chí 2 về giao thông thuộc Bộ tiêu chí xã NTM tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Yên Bái phấn đấu trước năm 2030 sẽ kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đường GTNT, giúp nhân dân đi lại và vận chuyển hàng hoá thuận lợi, an toàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của địa phương.
Hoài Anh