Đầu năm 2023, xã Nậm Búng mới chỉ có 9/19 tiêu chí và 23/51 chỉ tiêu đạt chuẩn NTM. Trong đó, khó khăn nhất là tiêu chí về giảm nghèo và môi trường. Lúc này, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 38,33%, gồm 252 hộ nghèo và 144 hộ cận nghèo. Bài toán đặt ra là làm thế nào để tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 13%, tức là phải giảm được trên 261 hộ, trong khi bình quân các năm trước chỉ giảm được 50 - 60 hộ/năm.
Trên cơ sở phân tích, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM xã Nậm Búng thấy rằng, nhiều hộ có tiềm năng thoát nghèo hoặc có đủ điều kiện thoát nghèo từ những năm trước nhưng do tâm lý e dè chưa mạnh dạn thoát nghèo, hoặc tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước hỗ trợ nên các hộ này vẫn chưa thoát nghèo. Từ đây, xã tiến hành đổi mới cách tuyên truyền, vận động theo hướng gắn với lợi ích lâu dài của người dân.
Ông Đặng Ngọc Toán - Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Nậm Búng cho biết: "Mình phải để người dân nhận thức rõ rằng, mọi sự hỗ trợ của Nhà nước đều không thể kéo dài mãi được. Nếu bà con không cố gắng vươn lên thoát nghèo thì mọi sự hỗ trợ cũng không làm cho bà con có đời sống khá giả. Xã khuyến khích những hộ đăng ký thoát nghèo tùy thuộc vào tiềm năng về lao động, đất đai… cộng với nhu cầu gia đình đều được xã hỗ trợ cây giống, con giống hoặc máy sản xuất, xây sửa nhà mới… để cải thiện đời sống, đảm bảo thoát nghèo bền vững”.
Cùng với đó, tại thôn bản, công tác tuyên truyền được thực hiện "đến từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền tại chỗ, thực hiện "cầm tay, chỉ việc” cho người dân. Công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện bằng nhiều hình thức, ngắn gọn, dễ hiểu. Ngoài ra, xã còn kết hợp tổ chức "Ngày cuối tuần cùng dân” với hơn 10.000 lượt người tham gia để giúp đỡ các hộ nghèo và tổ chức các hoạt động, phong trào xây dựng NTM.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền qua những tấm gương, điển hình, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng về lợi ích của xây dựng NTM, từ đó người dân thay đổi nhận thức và tích cực tham gia. Nhờ vậy, năm 2023, toàn xã có 268 hộ thoát nghèo; trong đó, có hơn 100 hộ tình nguyện viết đơn thoát nghèo nên số hộ nghèo của xã chỉ còn 11,81%, đạt yêu cầu tiêu chí.
Đối với tiêu chí môi trường, đầu năm 2023, toàn xã còn 42,7% số hộ không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh chưa đạt. Khó khăn đặt ra là làm thế nào để kéo con số trên về dưới 30% trong khi xã có trên 40% hộ là người dân tộc Dao, tập tục lạc hậu.
Anh Lý A Liều - Bí thư Đoàn xã Nậm Búng cho biết: "Việc thay đổi tập tục có từ nhiều đời nay của đồng bào Dao không phải là chuyện dễ, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt, đột phá nhưng cũng phải phù hợp với tập quán văn hóa của đồng bào. Được tin tưởng giao trọng trách giải quyết tiêu chí này, tôi đã thành lập một tổ thanh niên xung kích tại bản gồm cả những bạn trẻ làm ăn xa quê và đang học THPT, có nhiều tư tưởng đổi mới, tiến bộ làm chủ lực; kết hợp vừa tuyên truyền vận động ngay chính gia đình, người thân và tỏa ra cả bản vừa tình nguyện giúp đỡ bà con vận chuyển vật liệu, đào hố, xây nhà vệ sinh”.
Đoàn xã đã huy động 50 đoàn viên thanh niên tham gia hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 20 hộ khó khăn tại 2 thôn Nậm Chậu và thôn Sài Lương. Từ đó, nhiều hộ người Dao, nhất là các hộ có thanh niên đều làm nhà vệ sinh cho gia đình mình. Đến cuối năm 2023, xã có thêm 326 hộ có nhà vệ sinh đạt chuẩn, đưa tỷ lệ hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn lên 88,98%, vượt so với yêu cầu gần 20%.
Ngoài ra, đoàn viên thanh niên trong xã còn tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa dọc các tuyến đường thanh niên tự quản; ra quân thu gom rác thải, vỏ thuốc bảo vệ thực vật; lắp đặt 1,5 km thắp sáng đường quê tại thôn Nậm Chậu... Ông Lý Phúc Lâm ở bản Nậm Chậu vui mừng: "Nhà vệ sinh của mình được mấy thanh niên giúp sức nên trong 3 ngày đã hoàn thành. Từ giờ, cả nhà mình được sử dụng nhà vệ sinh mới, thấy sạch sẽ, tiện lợi và bảo đảm vệ sinh môi trường”.
Việc chủ động phân kỳ thực hiện các tiêu chí liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng ngay từ sớm, quyết liệt giải quyết các tiêu chí khó là những kinh nghiệm hay từ thực tiễn xây dựng NTM ở xã vùng cao Nậm Búng.
Hồng Duyên