Đồng chí Hà Sông Thao – Bí thư Đảng ủy xã Làng Nhì cho biết: "Xã Làng Nhì, đồng bào dân tộc Mông chiếm gần 100%, đời sống kinh tế khó khăn. Hướng đến mục tiêu giúp nhân dân phát triển kinh tế, Đảng bộ xã đã xây dựng Nghị quyết phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương”.
Dựa trên điều kiện thực tế, xã tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết trong phát triển sản xuất. Trước tiên, để thay đổi thói quen tập quán chăn nuôi kém hiệu quả của nhân dân bấy lâu nay, Làng Nhì thường xuyên tổ chức tuyên truyền trong các buổi họp thôn, bản, lồng ghép trong các buổi họp của xã; đồng thời, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phối hợp với các đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Qua đó, tạo chuyển biến về mặt nhận thức và hành động. Nhân dân trên địa bàn biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, thay đổi từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, bán chăn thả, làm chuồng trại, phòng chống đói, rét, kết hợp trồng các loại cỏ phục vụ chăn nuôi.
Với sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền địa phương, 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xã có 478 hộ chăn nuôi được 3.245 con gia súc chính, tăng 343 con so với cùng kỳ năm 2023; đàn gia súc khác là 542 con; tổng đàn gia cầm là 5.337 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 10,2 tấn; 100% các hộ chăn nuôi đều có chuồng trại, mùa đông không có trâu, bò chết rét, trồng gần 30 ha cỏ phục vụ chăn nuôi.
Là một trong những hộ gia đình được quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế thành công anh Hờ A Tủa ở thôn Làng Nhì chia sẻ: "Gia đình tôi nghèo không có điều kiện phát triển kinh tế, năm 2022 được Nhà nước hỗ trợ 6 triệu đồng từ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để nuôi 300 con gà đen tôi vừa mừng vừa lo vì sợ không biết chăm sóc. Nhưng xã đã cử cán bộ hướng dẫn phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng các loại vắc-xin đầy đủ lại cho tôi tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi nên gà không bị bệnh hay rủi ro gì. Từ ngày nuôi đến nay trung bình mỗi năm gia đình tôi nuôi được 2 lứa gà, thu về khoảng 50 triệu đồng tiền lãi. Ơn Đảng, ơn chính quyền cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn trước rất nhiều!”.
Bên cạnh chăn nuôi, với đặc điểm xã thuần nông, Làng Nhì chú trọng phát triển kinh tế trồng trọt, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. 3 tháng đầu năm 2024, nhân dân xã Làng Nhì đã hoàn thành gieo cấy 65 ha lúa xuân trên tổng số 120 ha diện tích lúa nước toàn xã, gieo trồng 120 ha ngô vụ xuân hè, trồng khoảng 45 ha khoai sọ nương.
Đồng chí Giàng A Say - Trưởng thôn Chống Tầu cho biết: "Thôn chúng tôi có diện tích khoai sọ nương nhiều nhất xã, từ 17 ha năm 2023, năm 2024 thì 50 hộ dân đã phát triển lên 20 ha trên tổng số 65 ha toàn xã. Mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 13 tấn khoai, với giá dao động từ 10.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí gốc trung bình mỗi ha khoai sọ nương đem về cho người trồng trên 40 triệu đồng. Thu nhập từ khoai sọ cao hơn hẳn so với trồng lúa nương và một số cây trồng khác trên cùng diện tích. Hơn thế nữa, cây khoai sọ không phải chăm sóc thường xuyên, dễ thích nghi với đất, khí hậu nên phát triển tốt. Có người vạch đường chỉ lối cho phát triển kinh tế, thoát nghèo, nhân dân ai cũng vui vẻ, tin tưởng làm theo”.
Với những giải pháp cụ thể, đúng hướng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân xã Làng Nhì không ngừng cải thiện. Năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm 8,14%, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng. Thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhân dân chăm sóc tốt diện tích lúa xuân, ngô xuân hè và khoai sọ nương đảm bảo đúng tiến độ, khung lịch thời vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình. Làng Nhì phấn đấu hết năm 2024 tổng lượng lương thực có hạt đạt gần 1.320 tấn, tổng đàn gia súc chính 3.520 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 47,9 tấn, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 7,83% so với năm 2023.
Lê Thương