Khu chăn nuôi của gia đình ông Sùng A Đơ ở thôn Suối Xuân được bố trí rất hợp lý xa khu vực nhà ở của gia đình. Công việc bận rộn nhưng ông vẫn niềm nở đón tiếp dẫn chúng tôi đi tham quan chuồng trại và chia sẻ về câu chuyện của mình.
Chỉ tay về phía đàn lợn béo tròn, ông Sùng A Đơ tươi cười: "Trước đây, gia đình tôi nghèo, chăn nuôi nhỏ lẻ làm lụng quanh năm mà không khấm khá lên được. Từ năm 2022, được hỗ trợ 15 triệu đồng từ Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh để chăn nuôi 20 con lợn. Có vốn phát triển kinh tế lại được tập huấn kiến thức chăn nuôi, phổ biến kiến thức mới đàn lợn luôn khỏe mạnh, dần dần, kinh tế gia đình khấm khá đi lên, có của ăn của để, không còn đói nghèo như trước”.
Gia đình ông Giàng A Tu ở thôn Tà Chử được hỗ trợ 30 triệu đồng để chăn nuôi phát triển kinh tế. Ông Giàng A Tu cho biết: "Những năm trước, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của xã. Năm 2023 được hỗ trợ từ Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, gia đình tôi đã làm chuồng trại phát triển chăn nuôi 11 con trâu, bò. Vừa rồi gia đình tôi đã bán 3 con trâu, bò thu về 47 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi 8 con trâu. Số tiền bán trâu, bò vừa rồi gia đình tôi chỉ chi tiêu một ít cho cuộc sống hàng ngày, còn để dành vốn tìm mua thêm 2 con trâu hoặc bò mới. Cảm ơn Đảng, chính quyền đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để gia đình tôi có vốn phát triển kinh tế, thoát nghèo”.
Ngoài 2 hộ gia đình trên, đến nay, xã Phình Hồ còn có trên 340 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn gia súc đạt gần 2.050 con, đàn gia súc khác là 256 con trong đó có 501 con trâu, 343 con bò, 1.201 con lợn, 16 con ngựa, 242 con dê; tổng đàn gia cầm là trên 6.500 con.
Ông Sùng A Rua - Chủ tịch UBND xã Phình Hồ cho biết: "Là xã thuần nông, địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, vì vậy, xã xác định chăn nuôi là một trong những ngành kinh tế chủ lực giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, xã chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, xã vùng cao thường xuyên chịu ảnh hưởng khắc nghiệt của thời tiết nên xã tập trung chỉ đạo các hộ chăn nuôi làm tốt công tác phòng, chống đói, rét trong mùa đông. Tuyên truyền, vận động người dân xây chuồng trại kiên cố, nuôi gia súc xa nhà ở, triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, hướng đến mục tiêu tăng cả về số lượng, chất lượng chăn nuôi, Phình Hồ đã chỉ đạo các hộ chăn nuôi chú trọng đến công tác lựa chọn giống, thực hiện tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng kế hoạch; hướng dẫn nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương để chủ động nguồn thức ăn, tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Xã cũng chú trọng công tác phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển kinh tế.
Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, xã Phình Hồ tiếp tục tập trung tận dụng các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bền vững; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền với hình thức đa dạng; nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả, khuyến khích hình thành các trang trại chăn nuôi, sử dụng các giống vật nuôi có tiềm năng, chất lượng cao. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, chăm lo tốt đời sống nhân dân theo lời Bác dặn.
Lê Thương