Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải (gọi tắt là Khu Bảo tồn) là 1 trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh Yên Bái được thành lập năm 2006.
Những năm qua, Khu Bảo tồn đã thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn, duy trì sự sống của các loài, nhóm loài, các quần xã sinh vật có tầm quan trọng của quốc gia, phục vụ nghiên cứu khoa học, sinh thái và bảo tồn.
Khu Bảo tồn có diện tích trên 20.108 ha nằm trên địa giới hành chính 5 xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Lao Chải của huyện Mù Cang Chải. Theo báo cáo chuyên đề "Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái, đến nay đã thống kê ở Khu Bảo tồn có 764 loài thực vật thuộc 481 chi, 149 họ, 5 ngành thực vật bậc cao có mạch và khu hệ động vật có xương sống có 224 loài thuộc 162 giống, 61 họ.
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn cho biết: "Những năm qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã nỗ lực thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng; phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại môi trường, cảnh quan rừng; bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, các loài sinh vật đặc hữu, phục hồi tài nguyên rừng và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời, Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo tồn tính đa dạng sinh học và tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, môi trường cho nhân dân địa phương”.
Tuyên truyền cho người dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Mù Cang Chải, Yên Bái.
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật Ban Quản lý Khu Bảo tồn xác định là nhiệm vụ then chốt để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có quản lý rừng đặc dụng bằng nhiều hình thức như qua hệ thống loa truyền thanh, loa lưu động, tờ rơi, bảng biển...
Năm 2023, Ban Quản lý Khu Bảo tồn phối hợp với Tổ chức Fauna & Flora International (Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế) chỉ đạo và giám sát tổ tuần tra cộng đồng tuần tra, giám sát đa dạng sinh học với 398 ngày tuần tra. Ngoài ra, đã phối hợp tổ chức tập huấn cho tổ tuần rừng cộng đồng về kỹ thuật đánh giá vượn và tổ chức khảo sát quần thể vượn đen tuyền bằng phương pháp theo dõi trực tiếp, sử dụng máy flycam trong nửa cuối tháng 11/2023.
Nhờ nỗ lực tuyên truyền, người dân địa phương ngày càng có ý thức hơn về công tác bảo vệ rừng, bảo tồn các loài động vật nên hoạt động săn bắn, đặt bẫy trong Khu Bảo tồn đã giảm rõ rệt. Ông Giàng Mào Sở - một người dân ở bản Nả Háng, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Cán bộ kiểm lâm, cán bộ xã luôn tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn gia đình tôi và dân bản Nả Háng này cách phát dọn cỏ, thu dọn thực bì, làm đường băng cản lửa cho thật đúng, nhất là tuyệt đối không đốt nương làm rẫy để không xảy ra cháy rừng, để bảo vệ các loài động vật quý hiếm có trong rừng”.
Bên cạnh đó, hoạt động của 4 nhóm tuần tra cộng đồng do Tổ chức Fauna & Flora hỗ trợ kinh phí và các hộ gia đình địa phương ký kết hợp đồng bảo vệ rừng đã giúp cho hoạt động quản lý động vật hoang dã đạt hiệu quả cao trong những năm gần đây. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Khu Bảo tồn là phối hợp thực hiện quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh. Khu Bảo tồn có trên 17.695 ha rừng đặc dụng tại xã Chế Tạo, Lao Chải, Nậm Khắt giáp ranh với tỉnh Lai Châu và tỉnh Sơn La.
Đây là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, vượn đen tuyền chủ yếu sinh sống trong khu vực này. Vì vậy, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành, các địa phương thì công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo vệ loài vượn đen tuyền sẽ vô cùng phức tạp, rất dễ xảy ra tình trạng mất rừng.
Những năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu và Hà Giang, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng.
Đối với hoạt động của Khu Bảo tồn hiện nay, cần tập trung giải quyết, khắc phục một số tồn tại, hạn chế về công tác quy hoạch, về cơ chế chính sách và nguồn lực đầu tư, về hoạt động phối hợp giữa các cấp chính quyền với các cơ quan chức năng, về kiểm soát việc khai thác rừng của người dân địa phương. Giải quyết đồng bộ những vấn đề này, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo tồn đa dạng sinh học sẽ ngày càng cao hơn.
Nguyễn Thơm