Là một trong những tỉnh miền núi với diện tích cây lương thực có hạt chủ yếu là lúa và ngô, Yên Bái có tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2023 đạt 326.027 tấn, vượt 2,6% kế hoạch năm, tăng 2.061 tấn so với năm 2022.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng phân đạm quá mức và gieo cấy mật độ dày là nguyên nhân chính làm giảm khả năng chống chịu của cây lúa, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế; việc lạm dụng hóa chất (phân hóa học, thuốc trừ sâu) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, và làm suy thoái hệ sinh thái đất canh tác.
Thêm vào đó, các hoạt động canh tác trong sản xuất lúa nước gây ra phát thải khí nhà kính do các chất hữu cơ phân hủy từ các cánh đồng lúa giữ nước thường xuyên, do phân đạm hóa học, sử dụng nhiên liệu (xăng dầu) cho máy nông nghiệp (bơm nước, làm đất, thu hoạch, hệ thống sấy khô…), đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Để góp phần khắc phục những hạn chế và thực hiện chiến lược của tỉnh Yên Bái về phát triển ngành hàng lúa gạo, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái xây dựng mô hình tổ chức sản xuất lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính trên giống lúa lai Long Xuyên 81.
Đây là mô hình nằm trong Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính tại tỉnh Yên Bái” do tổ chức Stichting Oxfam Novib (Hà Lan) tài trợ. Mô hình được triển khai tại thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên với sự tham gia của 30 hộ dân, có quy mô 02 ha.
Để mô hình triển khai có hiệu quả, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, các hộ dân tham gia được cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật truyền đạt, hướng dẫn các nội dung như: quy trình kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI); sinh lý cây lúa qua các giai đoạn phát triển và biện pháp quản lý; kỹ thuật chăm sóc, bón phân, làm cỏ, tưới nước; phương pháp điều tra, nhận biết thiên địch trên đồng ruộng; phương pháp điều tra, nhận biết và quản lý bệnh hại; cách sử dụng một số chế phẩm sinh học trong quản lý dịch hại nhằm thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học; hướng dẫn ủ phân hữu cơ vi sinh và làm đệm lót sinh học...
Chị Ninh Thị Thoa - thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên là một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất lúa bền vững giảm phát thải khí nhà kính trên giống lúa lai Long Xuyên 81 với quy mô gần 2 ha. Ban đầu lúc mới nghe thì thấy cách làm này phức tạp, kỳ công nhưng khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thì chúng tôi thấy tuy có hơi mất công sức tí nhưng lại đỡ hại sức khỏe. Vụ xuân năm nay trong khi các hộ trồng lúa trong thôn tôi phải phun thuốc đến 4-5 lần nhưng gia đình tôi chỉ cần phun thuốc 1 lần mà năng suất không những không giảm mà còn cao hơn. Dự kiến vụ này, gia đình tôi thu hoạch năng suất ước đạt hơn 2 tạ/sào”.
Việc gieo cấy thưa, cấy mạ khỏe, mạ non, giảm lượng giống, giảm công cấy, bón phân đủ lượng, cân đối, tưới nước nông - lộ - phơi xen kẽ, làm cỏ sục bùn bằng tay hoặc bằng cào cỏ thủ công đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng khỏe, năng suất cao. Không chỉ có vậy, việc quản lý sâu bệnh hại kịp thời theo nguyên tắc IPM đã giúp người trồng lúa giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Chị Hoàng Thị Thư, thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên chia sẻ thêm: "Được cán bộ kỹ thuật tận tình hướng dẫn, giờ gia đình tôi đã biết tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, cây phân xanh rồi dùng chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ và ủ phân chuồng hoai mục. Gia đình tôi vừa tăng cường bón phân hữu cơ, giảm chất hóa học, tiết kiệm chi phí lại giảm ô nhiễm môi trường”.
Từ thực tế cho thấy, việc sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính trên giống lúa lai Long Xuyên 81 tại địa bàn xã Hưng Khánh đem lại hiệu quả về kinh tế, môi trường, nâng cao được nhận thức cho người sản xuất lúa, được các hộ nông dân tiếp thu và áp dụng trong sản xuất.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Yên Bái cho biết "Việc áp dụng phương thức sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính vào sản xuất đã tận dụng được nguồn phân hữu cơ, giảm chi phí đầu tư: giống, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, đem lại hiệu quả cao về các mặt: kinh tế, kỹ thuật, xã hội và thân thiện môi trường, từng bước giúp nông dân cải tiến kỹ thuật trồng lúa thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để mở rộng được mô hình sản xuất bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính thì cần có những chính sách hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm để hoàn thiện quy trình sản xuất lúa bền vững theo hướng giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới để áp dụng rộng rãi vào sản xuất”.
Giống lúa Long Xuyên 81 là giống lúa lai do Công ty Hữu hạn kỹ thuật nông nghiệp Thái Cốc, Tứ Xuyên,Trung Quốc chọn tạo. Đây là giống lúa đã được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đánh giá là "siêu lúa lai”. Long Xuyên 81 là lúa lai 2 dòng có thể trồng được cả 2 vụ, trong đó thời gian vụ xuân: từ 125 đến 130 ngày; vụ hè thu: từ 100 đến 105 ngày. Qua nhà sản xuất và thực tế cho thấy, đây là giống lúa có khả năng chống đổ tốt, cây khỏe, kháng vừa bạc lá và có gen kháng đạo ôn. Chất lượng cơm dẻo, vị đậm và rền cơm nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
|
Nguyễn Thị Minh Phượng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái)