Yên Bái: Giao thông nông thôn tạo đà phát triển kinh tế - xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 6/6/2024 | 7:52:50 AM

YênBái - Dù là tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh Yên Bái đã dồn nguồn lực để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT), đặc biệt là Đề án phát triển GTNT đã tạo sức lan tỏa để nhân dân chung sức, đồng lòng kiên cố hóa hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, bản mỗi năm, góp phần tạo đà phát triển kinh tế xã hội nơi vùng sâu, vùng xa.

Người dân thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên mở rộng đường giao thông trong thôn. (Ảnh: Thành Trung)
Người dân thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên mở rộng đường giao thông trong thôn. (Ảnh: Thành Trung)

Để hiểu rõ hơn về những kết quả, cách làm cũng như đóng góp của Đề án phát triển GTNT trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Đào Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh.

P.V: Thưa ông, xin ông cho biết trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, Đề án phát triển GTNT tại tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả như thế nào?

Ông Đào Ngọc Hùng: Trong những năm qua, công tác xây dựng và phát triển hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội và sự đóng góp, hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Bằng cách lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, tận dụng nguồn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân để phát triển GTNT gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Theo đó, từ năm 2021 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã kiên cố hóa 1.781,3 km mặt đường bê tông xi măng, cạp mở rộng 72,9 km mặt đường bê tông xi măng đã có, mở mới đường đất 236,2 km, mở rộng đường đất 26,5 km và xây dựng 1.710 công trình thoát nước (trong đó: cầu, ngầm 42 công trình; cống thoát nước các loại 1.668 công trình) đạt 89% chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra (1.781,3 km/2.000 km). 

Tính đến hết tháng 12/2023, tổng chiều dài đường GTNT được kiên cố hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái là 6.020,9 km/ 8.074,6 km, đạt 74,6%; còn lại 2.053,7 km chưa được kiên cố hóa, chiếm tỷ lệ 25,4%. Tổng số vốn huy động trong 3 năm để kiên cố hóa đường GTNT trên địa bàn tỉnh là 1.830,8 tỷ đồng. 

P.V: Tỉnh Yên Bái đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ các địa phương phát triển hệ thống giao thông như thế nào? Ông có thể cho biết những đóng góp của hệ thống giao thông trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh?


Ông Đào Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông -Vận tải tỉnh. 

Ông Đào Ngọc Hùng: Trên cơ sở kết quả tích cực của Đề án phát triển GTNT ở những giai đoạn trước, ngày 16/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 73/2020/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Đề án phát triển GTNT được thực hiện triển khai với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó, nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công xây dựng công trình với cơ chế hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ vật liệu chính như: xi măng, cát, sỏi hoặc đá đến chân công trình đối với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; các địa phương còn lại hỗ trợ xi măng đến chân công trình. Trong đó, mở mới đường đất được hỗ trợ 70 triệu đồng/1 km bề rộng nền đường tối thiểu 3,5m.

Việc phát triển, hoàn thiện và kiên cố hóa đường GTNT góp phần quan trọng để các xã hoàn thành Tiêu chí 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 70,6%; 2 địa phương đạt chuẩn huyện nông thôn mới (huyện Trấn Yên, Yên Bình); 2 địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ).

P.V: Việc phát triển đồng bộ hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, từng bước hình thành các trục phát triển kinh tế sẽ được ngành giao thông tham mưu cho tỉnh thực hiện như thế nào, thưa ông? 

Ông Đào Ngọc Hùng: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là: "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là lĩnh vực giao thông, thông tin, viễn thông, thủy lợi, đô thị, khu, cụm công nghiệp, liên kết nông thôn với đô thị, công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp và liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển”. Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Yên Bái được quy hoạch 6 trục kinh tế chính (3 trục dọc và 3 trục ngang) hình thành trên cơ sở các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông theo hướng hiện đại và hình thành các trục phát triển kinh tế, thời gian tới, ngành giao thông sẽ tham mưu đề xuất các dự án giao thông trọng điểm như các tuyến đường có tính kết nối, các cây cầu lớn, hệ thống giao thông công cộng hiện đại theo quy hoạch để phát triển 6 trục kinh tế; tập trung nguồn nhân lực để đầu tư, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư lập kế hoạch và kêu gọi đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông bao gồm các nguồn vốn ngân sách, vốn ODA… đề xuất chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư. 

Bên cạnh đó, tận dụng tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải hiện có, đặc biệt là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; coi trọng việc duy trì, củng cố, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông hiện có. Đặc biệt, ngành tiếp tục tham mưu với tỉnh đẩy mạnh phát triển GTNT theo Đề án phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh với phương châm linh hoạt trong triển khai thực hiện; huy động, lồng ghép các nguồn vốn và sự tham gia của nhân dân; xây dựng hoàn thiện các tuyến đường GTNT liên xã, liên thôn đảm bảo theo quy hoạch xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hùng Cường (thực hiện)

Tags Yên Bái hạ tầng giao thông nông thôn vùng sâu vùng xa

Các tin khác
Phối cảnh công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái.

Chiều 5/6, Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh tổ chức trao giải thưởng và giấy chứng nhận thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái.

Đoàn viên thanh niên huyện Yên Bình giúp người dân thu hoạch lúa xuân.

Đó là thông tin từ Hội nghị sơ kết vụ sản xuất lúa đông xuân năm 2023 – 2024 và triển khai nhiệm vụ sản xuất vụ hè thu năm 2024 tại huyện Yên Bình.

Ngành Thuế áp dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền với lĩnh vực kinh doanh phục vụ chơi golf.

Từ ngày 1-8-2024, triển khai các giải pháp để áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh: bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi golf.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình, làm rõ một số nội dung về sử dụng công nghệ để giải quyết mặt trái của thương mại điện tử và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải nghĩ đến việc sử dụng chính công nghệ để quản lý các sàn thương mại điện tử, thay vì dùng sức người.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục