Từ ngày 1/5 đến ngày 15/5, dịch lở mồm long móng đã xảy ra tại 40 hộ, thuộc 2 thôn Tống Trong và Tống Ngoài của xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Tổng số gia súc mắc bệnh là 101 con (67 con trâu, 22 con bò, 12 con lợn); trong đó, số trâu, bò chết và tiêu hủy là 13 con (9 con trâu, 4 con bò); tổng khối lượng tiêu hủy là 2.529 kg.
Để ngăn dịch lây lan ra diện rộng, huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn trực tiếp tham gia chống dịch, hướng dẫn nhân dân cách điều trị, chăm sóc những gia súc bị bệnh để sớm phục hồi; phối hợp với UBND xã Túc Đán tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời nghiêm cấm di chuyển, vận chuyển đàn gia súc từ thôn này sang thôn khác, ra khỏi địa bàn xã và nghiêm cấm giết mổ gia súc mắc bệnh và gia súc ốm, chết để ăn và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết: Cơ quan chuyên môn đã cấp 2.500 liều vắc xin lở mồm long móng và 72 lít thuốc sát trùng để tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch và phun khử trùng tiêu độc tại nơi có dịch. Xã Túc Đán đã cấp 580 kg vôi bột để xử lý ổ dịch. Đến nay, ổ dịch đã được xử lý xong, không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Cũng từ ngày 9/5 đến ngày 4/6,dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên địa bàn xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên. Dịch xuất hiện tại 46 hộ thuộc 5 thôn trên địa bàn xã, làm 157 con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng trên 7.200 kg.
Ông Đàm Duy Đức – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Ngay khi nhận được thông tin, Chi cục đã báo cáo lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn về tình hình dịch bệnh và chỉ đạo địa phương lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch theo quy định; cử cán bộ tăng cường, phối hợp phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn. Đồng thời đề nghị huyện hỗ trợ vắc xin và thuốc sát trùng; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp các địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm xử lý dứt điểm không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng (bằng vôi bột, hóa chất...).
Cùng đó, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống và giám sát dịch bệnh, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi; tăng cường kiểm soát chặt chẽ vận chuyển gia súc ra vào ổ dịch, kiểm tra, giám sát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn và phát hiện, xử lý vi phạm theo quy định. Nhờ triển khai các biện pháp quyết liệt, đên thời điểm nay, 2 dịch bệnh trên địa bàn các xã đã cơ bản được khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới,.
"Qua công tác phòng chống dịch, đặc biệt là phòng, chống dịchlở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi cho thấy có hai yếu tố quan trọng nhất để quản lý, khống chế dịch bệnh, Thứ nhất là sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước từ việc chỉ đạo đồng bộ, toàn diện các biện pháp chống dịch đến hỗ trợ kịp thời nguồn lực, kinh phí để thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường, thành lập các tổ, đội quản lý giám sát địa bàn sẽ hạn chế mầm bệnh phát tán, lây lan, hỗ trợ tiêu hủy gia súc giúp người dân chấp hành quy định chống dịch. Từ đó người dân sẽ báo cáo dịch bệnh kịp thời, không bán chạy gia súc nghi bệnh, mắc bệnh…
Thứ hai, vai trò cốt lõi của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh vì chỉ có người chăn nuôi mới là người hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc, theo dõi vật nuôi của mình, là người đầu tiên nhận biết các dấu hiệu bất thường của vật nuôi; là người quyết định chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Chỉ khi người chăn nuôi tự nâng cao ý thức, tuân thủ quy định thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới mang lại hiệu quả cao”, ông Đức đánh giá.
Đến nay, dịch lở mồm long móng đã được xử lý triệt để, dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế. Để ngăn chặn dịch bệnh có thể tiếp tục, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống, nhất là các nơi có nguy cơ cao, địa bàn giáp ranh những khu vực vừa có dịch; thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy, xử lý tiêu độc khử trùng theo quy định; bố trí đầy đủ lực lượng, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm từ động vật ra, vào địa bàn tỉnh, giữa các khu vực trong tỉnh và nhất là địa bàn đã phát sinh ổ dịch; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện việc kiểm dịch, xác nhận đối với gia súc khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, đủ điều kiện xuất bán, tiêu thụ để tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cơ sở chăn nuôi.
Chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bảo vệ, chăm sóc tốt đàn vật nuôi và giáo dục ý thức chống dịch vì mình, vì mọi người cũng là để đảm bảo nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mạnh Cường