Để nâng cao giá trị cho cây lạc đỏ, một trong những nông sản đặc trưng của huyện, Lục Yên đã quy hoạch, mở rộng giống lạc này tại những đồng đất phù hợp. Hiện, lạc đỏ được trồng 2 vụ trong năm với tổng diện tích khoảng 500 ha, chủ yếu ở các xã: Phan Thanh, Tân Lập, Minh Tiến, An Phú, Minh Chuẩn, Tô Mậu, Tân Lĩnh…, sản lượng đạt gần 1.300 tấn lạc củ, tổng doanh thu ước khoảng 45 tỷ đồng/năm.
Chị Hứa Thị Năm, xã Minh Tiến - một trong những gia đình có nhiều năm trồng lạc đỏ cho biết: "Gia đình có hơn 3 sào đất gần ven suối phù hợp với trồng lạc, mỗi vụ bán lạc thương phẩm, trừ chi phí gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng. Giống lạc đỏ được nhiều người ưa chuộng, tiêu thụ rất thuận lợi nên thời gian tới gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích trồng lạc để nâng cao thu nhập”.
Được biết, để phát triển sản phẩm lạc đỏ, Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh đã hợp đồng liên kết với các hộ dân, cam kết thu mua sản phẩm lạc tươi vỏ đỏ địa phương. Sản phẩm sau khi mua về được sấy khô bằng máy sấy, bóc và loại bỏ các hạt hỏng, mốc, chọn lọc những hạt mẩy, đều hạt, đóng túi hút chân không... đảm bảo các điều kiện giữ an toàn vệ sinh thực phẩm, sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ông Đàm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thái Sơn cho biết: "Chúng tôi luôn mong muốn cung ứng cho thị trường các sản phẩm từ lạc đỏ địa phương với chất lượng tốt nhất để người tiêu dùng trên khắp cả nước biết đến, giúp người dân địa phương nâng cao thu nhập. Hợp tác xã đã ký cam kết cung ứng giống và thu mua với giá ổn định cho các hộ dân, đồng thời xây dựng, duy trì sản phẩm OCOP lạc đỏ Lục Yên”. Cùng với lạc đỏ, từ lâu vịt bầu cổ xanh đã trở thành đặc sản, là thức ăn giàu dinh dưỡng và mang lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân ở xã Lâm Thượng.
Ông Hoàng Văn Cói - Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng cho biết: "Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Vịt bầu Lâm Thượng” cho huyện Lục Yên. Đây là giải pháp nhằm bảo tồn nguồn giống bản địa, nâng cao danh tiếng, quảng bá sản phẩm, bảo tồn giá trị văn hóa, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc phát triển chăn nuôi vịt. Đến nay, toàn xã có trên 10.000 con vịt bầu, trong đó có 10 mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa”.
Thực hiện cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững, thời gian qua, huyện Lục Yên tập trung nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp, nhất là với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng thế mạnh của địa phương. Cùng với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp; cơ cấu lại sản xuất theo vùng… việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn đã được Lục Yên đẩy mạnh.
Đến nay, toàn huyện đã xuất hiện nhiều hợp tác xã sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến đến cung cấp sản phẩm ra thị trường và người tiêu dùng. Trên lĩnh vực trồng trọt, huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa trên 600 ha, vùng ngô ổn định diện tích 5.150 ha/năm, vùng lạc 1.000 ha/năm, vùng cây ăn quả có múi trên 1.000 ha. Trên lĩnh vực chăn nuôi, huyện tiếp tục duy trì các mô hình đặc sản, đặc trưng có thương hiệu từ lâu nay như: gà trống thiến ở các xã Mai Sơn, Khánh Thiện; vịt bầu, cá bỗng ở xã Lâm Thượng và một số giống vật nuôi khác.
Ông Trần Quốc Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Giá trị nông sản từng bước được nâng cao đã góp phần nâng cao thu nhập cũng như đưa người dân thoát nghèo bền vững. Cũng từ đó, người dân tham gia tích cực trong làm đường giao thông nông thôn và XDNTM. Đến nay, toàn huyện có 15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 37 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM và 20 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu”.
Thời gian tới, huyện Lục Yên tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy mô sản xuất phù hợp với lợi thế từng vùng, quỹ đất; đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân với tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới; thường xuyên quan tâm bảo tồn khôi phục nguồn gen của các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, bản địa, đặc sản, quý hiếm của địa phương; đồng thời, tập trung ưu tiên bố trí kinh phí hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; thực hiện lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án để người dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị nông sản.
Hùng Cường