Trước đây, kinh tế của các hộ gia đình tại bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ rất khó khăn, chủ yếu trông vào sản xuất nông nghiệp, nhiều người phải đi làm thuê, làm ăn xa, công việc, thu nhập không ổn định, cuộc sống bấp bênh. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước, rất nhiều lao động bị mất việc làm, nhất là các lao động đi làm ở các khu công nghiệp phải quay trở về địa phương với hai bàn tay trắng, cuộc sống khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Đúng vào thời điểm khó khăn nhất về việc làm, Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay giải quyết việc làm nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch. Chính sách này đã thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội được tuyên truyền sâu rộng đến người dân trong bản và được nhân dân đón nhận kịp thời.
Tại Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) bản Sà Rèn do bà Trần Thị Thái quản lý, có 12 hộ được vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn ủy thác của UBND thị xã Nghĩa Lộ để tạo việc làm, với số tiền 775 triệu đồng. Qua đó, giúp các lao động trở về bản chưa có việc làm phần nào tháo gỡ khó khăn, dần phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bà Trần Thị Thái - Tổ trưởng Tổ TK&VV bản Sà Rèn, xã Nghĩa Lợi cho biết: "Là người quản lý, giám sát hiệu quả nguồn vốn, đến nay tôi thấy rằng, nguồn vốn này thực sự rất có hiệu quả, đã có rất nhiều hộ gia đình trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình. Điển hình như hộ anh Điêu Văn Tấn và hộ anh Lường Văn Thủy. Trước đây, anh Điêu Văn Tấn đi làm thuê cho các công trình xây dựng tại Quảng Ninh, anh Lường Văn Thủy đi làm tại Khu công nghiệp ở Bắc Giang. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, anh Tấn và anh Thủy đều mất việc phải trở về địa phương. Giai đoạn này, gia đình hai anh rất khó khăn, cuộc sống bấp bênh.
Sau khi được tuyên truyền chương trình giải quyết việc làm trong gói hỗ trợ của Chính phủ sau đại dịch Covid-19, hai anh đều mạnh dạn vay 60 triệu đồng để sang sửa lại nhà cửa, mua sắm đồ dùng để làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của các hộ dân trong bản, Sà Rèn hàng năm thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Từ đó, hai hộ gia đình anh Tấn và anh Thủy cũng có mức thu nhập hàng tháng ổn định từ 15 - 20 triệu đồng, đảm bảo trang trải cuộc sống sinh hoạt, đồng thời gìn giữ và bảo tồn được bản sắc dân tộc, bản sắc quê hương. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn này gia đình đã có tích lũy thêm để mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho 2 - 3 lao động thời vụ khác trong thôn với thu nhập từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/ngày”.
Không làm mô hình du lịch cộng đồng giống như nhiều hộ dân trong bản, chị Hà Thị Thoa sau khi trở về từ Khu công nghiệp Bình Dương do mất việc vì đại dịch Covid-19 lại có cách làm riêng để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy trong bản có nhiều hộ làm homestay, lượng tiêu thụ lương thực, thực phẩm trong bản nhiều hơn so với trước đây.
Chị Thoa đã mạnh dạn vay vốn Chương trình giải quyết việc làm 80 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của thị xã Nghĩa Lộ để mở rộng chuồng trại và chăn nuôi gà đen. Với sự nỗ lực của bản thân, mô hình nuôi gà đen của chị Thoa có quy mô hơn 2.000 con, lượng đầu ra ổn định mang lại thu nhập mỗi tháng hơn 10 triệu đồng, giúp gia đình chị thoát khỏi khó khăn, phát triển kinh tế bền vững ngay tại địa phương.
Bản Sà Rèn có 167 hộ dân, được chia làm 3 cụm dân cư liền kề với 3 tổ TK&VV hoạt động, cả bản có hơn 120 hộ vay vốn, chất lượng tín dụng tốt, không có nợ quá hạn, không có nợ khoanh, các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Tổ TK&VV do bà Trần Thị Thái làm tổ trưởng, hiện nay có 39 tổ viên, dư nợ 2,834 tỷ đồng; trong đó: Chương trình giải quyết việc làm dư nợ 823 triệu đồng với 14 hộ vay vốn; Chương trình hộ nghèo dư nợ 804 triệu đồng với 11 hộ vay vốn; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn dư nợ 510 triệu đồng với 27 hộ vay vốn; các chương trình khác dư nợ 697 triệu đồng với 15 hộ vay vốn.
Chất lượng hoạt động của tổ TK&VV luôn được ổn định và nâng cao; các hộ vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; 100% tổ viên thực hiện tốt quy ước gửi tiền tiết kiệm tạo thói quen tích lũy, số dư tiết kiệm của tổ là 102 triệu đồng.
Có thể khẳng định, chính sách cho vay giải quyết việc làm nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, được đông đảo nhân dân đón nhận và đồng tình ủng hộ; là một chủ trương rất đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người dân, đặc biệt là người lao động còn thiếu việc làm ở các khu vực đô thị và lân cận đô thị, góp phần đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Anh Dũng