Trấn Yên thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/8/2024 | 7:41:43 AM

YênBái - Lấy sản xuất nông lâm nghiệp làm nền tảng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm gần đây, huyện Trấn Yên chú trọng thực hiện các đề án, chính sách về khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) gắn với tạo sinh kế ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên báo cáo với đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội về công tác giao đất, giao rừng tại xã Hồng Ca.
Lãnh đạo huyện Trấn Yên báo cáo với đoàn công tác Hội đồng Dân tộc Quốc hội về công tác giao đất, giao rừng tại xã Hồng Ca.


Đồng chí Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: "Những năm qua, cơ chế, chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp đã có nhiều thay đổi, tạo điều kiện cho chủ rừng chủ động tổ chức sản xuất theo hướng xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp, công tác BV&PTR từng bước ổn định và phát triển. Đồng thời, huyện chủ động triển khai thực hiện các chính sách, hỗ trợ, ưu đãi đầu tư cho BV&PTR thông qua việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển lâm nghiệp hàng năm trên cơ sở các quy định tại Quyết định số 38 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách BV&PTR và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông - lâm nghiệp; Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế chính sách BV&PTR gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 và các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh”. 

Theo đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình theo Chương trình hành động của Huyện ủy Trấn Yên về thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, BV&PTR; kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Trấn Yên giai đoạn 2021 - 2025. 

Cùng với đó, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các xã có diện tích rừng tiến hành khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư theo đúng hướng dẫn; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng; lịch trực phòng cháy chữa cháy rừng cấp huyện, cấp xã và thường xuyên tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. 

Ông Hà Thanh Chương - Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: "Tính đến năm 2023, xã đã khoán bảo vệ và giao rừng cho 8 ban quản lý cộng đồng dân cư trông coi với diện tích trên 3.455 ha. Trong đó, rừng tự nhiên phòng hộ gồm 7 ban quản lý rừng cộng đồng với diện tích gần 3.445 ha; rừng tự nhiên sản xuất là 1 ban quản lý rừng cộng đồng với diện tích 10,84 ha. Đối với diện tích rừng được giao, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, xã đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn triển khai các dự án sản xuất lâm nghiệp trên diện tích đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng quyền sử dụng đất, đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý chưa được giao, cấp đang được cộng đồng, hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài, không tranh chấp”.

Thực hiện Quyết định số 1268 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao và cho thuê rừng giai đoạn 2008 - 2011, tính đến ngày 31/12/2011, Trấn Yên đã triển khai thực hiện giao và cho thuê rừng 1.928,6 ha với 550 giấy chứng nhận cho 29 cộng đồng dân cư dân tộc thiểu số. Đối với nguồn thu hồi đất có gốc từ nông lâm trường giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất, năm 2007, Lâm trường Việt Hưng đã bàn giao về địa phương quản lý với tổng diện tích 9.039 ha. Sau khi địa phương nhận bàn giao, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tổ chức giao khoán bảo vệ rừng đối với diện tích có rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn, bản theo quy định. 

Giai đoạn 2019 - 2023, các chỉ tiêu về sản xuất lâm nghiệp đã được nâng lên; so sánh với giai đoạn từ 2018 trở về trước, diện tích có rừng đã tăng lên. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì 70%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng sản xuất tăng 62.688 m3/năm, đã cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản phát triển. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt đã phát huy chức năng phòng hộ và bảo tồn đa dạng sinh học. 

Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên có  Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng thuộc diện phải thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118. Cụ thể, tổng diện tích đất hiện đang quản lý, sử dụng là 2.162 ha. Trong đó, diện tích đất trồng rừng sản xuất 2.156 ha; diện tích đất khác 6,26 ha. Từ năm 2018, Công ty đã lập điều chỉnh phương án sử dụng đất, đến tháng 12/2020, đã được các ngành chức năng thẩm định, hiện đang chờ cơ quan thẩm quyền quyết định phê duyệt. 

Dự kiến, diện tích đất Công ty đề nghị bàn giao về địa phương theo điều chỉnh phương án sử dụng đất (đã được thẩm định, chờ phê duyệt) gần 639 ha, trong đó, diện tích đất trồng rừng sản xuất là 634,8 ha. Năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có diện tích đất, rừng lâm trường bàn giao về địa phương, cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn, Sở Tài nguyên Môi trường triển khai Dự án đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với đất đai có nguồn gốc lâm trường và công ty lâm nghiệp bàn giao trả về địa phương theo Quyết định số 491 của UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với đất đai có nguồn gốc từ 4 công ty lâm nghiệp trả về địa phương nhằm phục vụ điều chỉnh phương án sử dụng đất và hợp đồng thuê đất. Hiện, Dự án đang thực hiện giai đoạn đo đạc dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2024.

Có thể thấy, huyện Trấn Yên đã vận dụng linh hoạt, có hiệu quả chính sách khoanh nuôi, BV&PTR gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số mở ra hướng đi mới góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Trần Ngọc

Tags Trấn Yên thực hiện chính sách pháp luật giao đất giao rừng

Các tin khác
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử.

Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn Yên Bái những năm gần đây phát triển mạnh mẽ, đang từng ngày “lấn át” kinh doanh truyền thống và trở thành một kênh phân phối, mua sắm được nhiều người lựa chọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh doanh, buôn bán TMĐT còn có những khó khăn, hạn chế trong quản lý cần được tháo gỡ.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ngày 26/8/2024. Quang cảnh lễ công bố.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ cao hơn trong năm 2024, nhờ sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu các mặt hàng chế tạo chế biến, du lịch, tiêu dùng và đầu tư, theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố hôm 26/8.

Hội viên nông dân xã Yên Hợp chăm sóc ngô vụ đông. Ảnh minh họa

Được biết đến là địa phương có các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, thời gian qua, huyện Văn Yên đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy HTX nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, các HTX nông nghiệp vẫn chưa thực sự có sự bứt phá, tương xứng với tiềm năng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mù Cang Chải tham gia chữa cháy rừng.

Thời gian qua, tuy ngành chức năng và chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền và hướng dẫn người dân các phương án an toàn khi đốt thực bì nương rẫy, đốt bãi chăn thả nhưng tình trạng cháy rừng xuất phát từ nguy cơ này trên địa bàn Yên Bái vẫn diễn ra phổ biến.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục