Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và các nguồn lực của tỉnh, hạ tầng giao thông nói chung và hạ tầng giao thông đô thị nói riêng trên địa bàn thành phố từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại, có trọng điểm. Nhiều dự án công trình giao thông trọng điểm, quan trọng kết nối các đô thị và các trục giao thông chính đô thị theo quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị được đầu tư xây dựng, hoàn thành.
Bên cạnh đó, các tuyến đường đô thị, đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, khai thác, kết nối hiệu quả các vùng kinh tế, đô thị với nông thôn. Các dự án được đầu tư xây dựng hoàn thành và đang được đầu tư xây dựng đã có tác động tích cực đến hệ thống hạ tầng đô thị, giúp mở rộng không gian đô thị, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, thành phố Yên Bái đã hoàn thành xong quy hoạch phân khu 15/15 xã, phường, ban hành 16 đồ án quy hoạch chi tiết đô thị; 2 đồ án chi tiết xây dựng khu chức năng. Trong giai đoạn 2021- 2025, trên địa bàn tỉnh thực hiện 26 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư gần 13.300 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng mức đầu tư 5.433 tỷ đồng, chiếm 40,8% tỷ trọng vốn đầu tư các công trình trọng điểm của tỉnh.
Trong 11 dự án thì trọng tâm là 6 dự án phát triển hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư 3.453 tỷ đồng, có tính chất kết nối vùng, liên vùng, qua đó, tạo không gian phát triển rộng lớn với quy mô khoảng trên 2.500 ha đã được phủ kín hạ tầng khung, chiếm 35,6% diện tích đất hiện hữu của thành phố, đủ điều kiện về quy hoạch, hạ tầng, đất đai để thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn.
Đặc biệt, hai bên sông bờ Hồng với chiều dài khoảng 18,45 km qua địa phận thành phố đã triển khai các dự án kè sông Hồng, đến nay, đã kè được khoảng 33,3%.
Cầu Giới Phiên được xây dựng mới với quy mô đầu tư 650 tỷ đồng, là cây cầu thứ 5 cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn thành phố, là điểm nhấn kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, tạo trục động lực thúc đẩy phát triển đô thị tỉnh lỵ bên hữu ngạn sông Hồng, phát triển không gian đô thị thành phố hiện đại. 5 cây cầu cùng với 5 quy hoạch khu đô thị dọc hai bên sông Hồng đã phê duyệt, trong đó có 1 quy hoạch khu đô thị đang được triển khai thực hiện, đã góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu phát triển thành phố năng động hai bên bờ sông.
Ông Mã Đức Thành - Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố cho biết: Thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, chú trọng đầu tư xây dựng các công trình đô thị đạt chuẩn với kiến trúc hiện đại, có tính thẩm mỹ cao để tạo điểm nhấn đô thị, mang đặc trưng của một đô thị miền núi. Quản lý chặt chẽ quy hoạch cây xanh đô thị, xây dựng thành phố Yên Bái xanh "thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”; phấn đấu đến năm 2030, thành phố Yên Bái cơ bản hoàn thành tiêu chí đô thị loại I, trở thành đô thị động lực của khu vực Tây Bắc.
Đến nay, tỉnh, thành phố đã đầu tư đưa vào sử dụng một số công trình, dự án đô thị trọng điểm có kiến trúc mang tính thẩm mỹ cao, tạo điểm nhấn đặc sắc cho không gian đô thị thành phố như: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Công viên Đồng Tâm, Công viên Yên Hòa, Khu đô thị Vincom Plaza, Khu đô thị MeLinh Plaza, Khu đô thị Eurowindow Green Park, Khu đô thị Hạnh Phúc, Khu đô thị Casamony...
Cùng đó, thành phố đang triển khai và chuẩn bị triển khai một số công trình, dự án trọng điểm, có quy mô lớn, kiến trúc hiện đại như: Trung tâm Hội nghị tỉnh, trụ sở Tỉnh ủy, trụ sở UBND tỉnh, khu liên hợp thể dục thể thao; Khu đô thị Eurowindow quy mô 39 ha, khu đô thị Bách Lẫm quy mô 30 ha, Dự án Nghĩa trang An Bình Viên với quy mô 100 ha; Cảng Văn Phú quy mô bốc xếp khoảng 1 triệu tấn hàng hóa/năm; tuyến đường sắt cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa phận thành phố Yên Bái...
Bí thư Thành ủy Đỗ Đức Minh cho biết: "Trong thời gian tới, thành phố Yên Bái sẽ tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp; trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt là Nghị quyết số 23 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng và phát triển thành phố Yên Bái giai đoạn 2021 - 2030 để xây dựng và phát triển thành phố bền vững theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”, là đô thị văn hóa sinh thái có năng lực cạnh tranh cao, ứng phó với biến đổi khí hậu và là đô thị động lực của khu vực Tây Bắc, thực sự xứng tầm là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đầu tàu trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh và của cả vùng”.
Cụ thể một số định hướng kiến tạo thành phố Yên Bái thành một đô thị sinh thái và đáng sống, bà Lê Thị Phương Lan - Phó trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ Kiến trúc - Viện Kiến trúc quốc gia cũng đã có những gợi ý: Thành phố cần quan tâm gìn giữ sự đa dạng sinh học. Sự đa dạng sinh học càng cao thì các hệ sinh thái càng ổn định. Thiết kế đô thị sinh thái hài hòa với các nguyên tắc của tự nhiên, luôn coi trọng tự nhiên, bảo tồn các nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm. Đảm bảo tính gắn kết giữa các nhân tố cảnh quan và phát triển đô thị phù hợp với ngưỡng sinh thái môi trường. Đô thị luôn lấy yếu tố tự nhiên làm chủ đạo, các yếu tố nhân tạo được tạo ra nhất thiết phải gắn kết một cách hài hòa, không lấn át hay đánh mất giá trị đặc trưng cảnh quan tự nhiên.
Bên cạnh đó, thành phố cũng cần quan tâm chỉnh trang, nâng cấp và nhân rộng các tuyến đường, tuyến phố kiểu mẫu về văn minh đô thị, đạt quy chuẩn về quản lý xây dựng, chú trọng xây dựng các mẫu nhà đẹp, đồng bộ về màu sắc ở các tuyến phố mới, phát triển các dự án nhà phố, nhà vườn là xu thế chủ đạo gắn với không gian xanh.
Trong quá trình lập quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển đô thị sinh thái, thành phố cần có sự hợp tác, giám sát của các chuyên gia quy hoạch du lịch sinh thái, bảo đảm thực hiện theo quy hoạch và đảm bảo quản lý chặt chẽ quy hoạch.
Mạnh Cường