P.V: Thưa bà, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, trong 10 năm qua, công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách xã hội đã được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo thực hiện như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Hội LHPN tỉnh luôn coi nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của Hội, xác định công tác tín dụng chính sách là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cùng cấp tổ chức tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ về các nội dung của Chỉ thị; ban hành văn bản chỉ đạo các cấp Hội triển khai, thực hiện các nội dung liên quan đến Chỉ thị số 40 với 128 văn bản chỉ đạo các cấp hội phối hợp với NHCSXH cùng cấp triển khai các hoạt động nhận ủy thác vốn vay trong 10 năm qua.
Trong 10 năm, đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực đến 100% cơ sở hội, 100% cán bộ và 95% hội viên phụ nữ về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tín dụng chính sách. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện qua nhiều kênh, như trên trang web của Hội, trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, nhóm Zalo 3 cấp Hội LHPN; sinh hoạt chi, tổ hội…
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm.
P.V: Vậy, kết quả thực hiện chương trình ủy thác của các cấp Hội LHPN tỉnh với NHCSXH đến nay như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Hội LHPN tỉnh và NHCSXH tỉnh Yên Bái đã ký văn bản liên tịch về việc tổ chức thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách; đồng thời ban hành kế hoạch chỉ đạo các cấp hội tiến hành ký văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác, chỉ đạo hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá chương trình phối hợp. Đến nay, 100% tổ chức hội LHPN các huyện, thị, thành phố ký nhận văn bản liên tịch, 170/173 xã, phường, thị trấn ký hợp đồng ủy thác với NHCSXH, định kỳ hàng năm tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Liên tịch giữa 2 ngành trong các cấp hội, đồng thời động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích trong hoạt động ủy thác.
Cùng với đó, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 về tín dụng ưu đãi với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cấp Hội đã tích cực phối hợp cùng NHCSXH tuyên truyền tới hội viên phụ nữ về mục đích, ý nghĩa, tiêu chí hoạt động cho vay, để các đối tượng chính sách hiểu đúng, hiểu rõ về mục tiêu, điều kiện được vay vốn và tiến hành khảo sát các hộ nghèo theo chuẩn nghèo do Nhà nước quy định để triển khai các hoạt động tín dụng, giúp các hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo các chương trình tín dụng; hướng dẫn các thủ tục, quy trình thành lập Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, xây dựng quy chế hoạt động, mở các sổ theo dõi, quản lý nguồn vốn nhận ủy thác và vận động gửi tiết kiệm...
Đến tháng 4/2024, thông qua tổ chức Hội, đã có 170/173 xã, phường, thị trấn ký hợp đồng ủy thác với tổng dư nợ nguồn vốn là 1.603 tỷ đồng - tăng 957 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 32% tổng dư nợ của NHCSXH giao cho các tổ chức đoàn thể trong tỉnh quản lý, thông qua 738 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn, với 27.258 hộ vay vốn, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,08% - giảm 0,32% so với cùng kỳ năm 2014.
P.V: Từ thực tế, bà có thể đánh giá tín dụng chính sách đã tác động như thế nào tới công tác Hội và đời sống hội viên, phụ nữ trên địa bàn?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Những năm qua, chất lượng hoạt động nhận ủy thác vốn vay NHCSXH của các cấp hội luôn duy trì ổn định, giữ vững "6 nhất” trong 4 tổ chức hội, đoàn thể: dư nợ cao nhất; số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn cao nhất; số hộ vay nhiều nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; số dư tiết kiệm nhiều nhất; số Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xếp loại tốt nhiều nhất. Từ hoạt động ủy thác đã giúp cho nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững của các cấp Hội có hiệu quả hơn. Chính từ hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, những năm qua, các tổ chức Hội LHPN đã thật sự là cầu nối giúp cho nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thông qua hoạt động ủy thác đã thu hút được đông đảo phụ nữ tham gia tổ chức Hội, qua đó vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình ngày càng được nâng lên, góp phần thực hiện bình đẳng giới; củng cố, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh; năng lực của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở ngày càng được nâng lên.
P.V: Trân trọng cảm ơn bà!
Thu Hạnh (thực hiện)