Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân xã Thượng Bằng La vừa tham gia mở đường với tuyến đường đèo Lũng Lô lịch sử vừa bảo vệ và vận chuyển hàng nghìn tấn lương thực, quân trang, vũ khí đạn dược phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần làm nên chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong 2 cuộc kháng chiến, cán bộ và nhân dân xã Thượng Bằng La được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đứng trên vùng đất còn ghi lại những chiến tích một thời hào hùng của dân tộc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay to lớn của một miền quê cách mạng. Những con đường bê tông phẳng lỳ, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát; hệ thống điện, nước, trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng khang trang.
Đồng chí Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La cho biết: "Năm 2016, Thượng Bằng La là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Văn Chấn sớm về đích xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo người dân phát huy nội lực, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM”.
Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, xác định đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xã đã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án, huy động sự tham gia đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn. 16 tuyến đường thôn và đường liên thôn với chiều dài 35,1 km đã được đầu tư nâng cấp bảo đảm đi lại thuận tiện; có hệ thống đèn chiếu sáng, được trồng hoa, cây cảnh đạt tỷ lệ trên 80%.
Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, điện sản xuất, sinh hoạt, cơ sở vật chất văn hóa, giáo dục, đổi thay diện mạo nông thôn. Trong lộ trình phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, xã Thượng Bằng La xác định không chỉ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng khang trang hiện đại mà vấn đề cốt lõi là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị, năng suất cao đưa vào sản xuất; tăng cường thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã phát huy lợi thế của địa phương xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững.
Đến nay, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng cây ăn quả 440 ha ở các thôn: Thiên Bữu, Nông Trường, Trung Tâm; vùng trồng măng Điền trúc khoảng 400 ha ở thôn Dạ; vùng trồng cây lâm nghiệp 300 ha ở thôn Văn Tiên, thôn Yên Hưng; vùng lúa chuyên canh 2 vụ với diện tích 230 ha, vùng sản xuất chè kinh doanh trên 116 ha.
Trên địa bàn hiện có 6 hợp tác xã (HTX); trong đó, 1 HTX trồng cây dược liệu, 2 HTX sản xuất vật liệu xây dựng, 1 HTX chế biến gỗ rừng trồng, 1 HTX thu mua măng, 1 HTX cam. Tiêu biểu như HTX Lũng Lô tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu tại khu vực đèo Lũng Lô, HTX đã tuyên truyền, vận động thành viên HTX và người dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, trồng lúa và những cây có ít giá trị kinh tế sang trồng cây dược liệu.
HTX đã triển khai trồng 15 ha cây dược liệu như: đương quy, hoài sơn, sâm bố chính, hy thiêm và một số loại cây dược liệu khác và dự kiến sẽ mở rộng diện tích cây dược liệu lên gần 20 ha. Để bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của thành viên HTX và bà con nhân dân, HTX Lũng Lô đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Dược liệu Ninh Hiệp, Công ty cổ phần Dược liệu Sơn Tùng và một số công ty sản xuất và phân phối khác.
Bên cạnh đó, HTX còn khuyến khích các thành viên phát triển thêm nghề nuôi ong mật. Hiện, sản phẩm mật ong thảo dược của HTX đạt chuẩn OCOP 3 sao. HTX hiện đã thu hút và tạo việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên và có thể lên đến 40 người khi vào mùa vụ tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ có mô hình trồng dược liệu, các mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực với các hợp tác xã như vùng trồng cây lâm nghiệp thuộc dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm gỗ, keo, bồ đề, mô hình nuôi trâu, bò cái sinh sản, cây ăn quả có múi, các dịch vụ kinh doanh… góp phần ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã không ngừng được cải thiện và đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 53 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 6,69%.
Phát huy kết quả đạt được, xã Thượng Bằng La tiếp tục phát huy nội lực, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân chung sức xây dựng NTM để nâng cao các tiêu chí, đặc biệt là xây dựng các công trình thiết yếu như chợ, đường giao thông nông thôn… để bảo đảm đạt chuẩn các tiêu chí đưa Thượng Bằng La sớm cán đích xã NTM nâng cao.
Văn Thông