Từ lâu, chăn nuôi bò là nguồn thu nhập chính của gia đình bà Nguyễn Thị Nhu ở thôn An Thái, xã Minh An nhưng do kinh tế khó khăn nên bà chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2022, sau nhiều lần được tuyên truyền, vận động, bà quyết định đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản 10 con theo Nghị quyết số 69 với kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng. Bà đã đầu tư tu sửa lại chuồng trại đảm bảo đúng diện tích, chủ động con giống đảm bảo yêu cầu theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Bà còn trồng thêm 1 ha cỏ voi để làm nguồn thức ăn cho bò.
Bà Nhu chia sẻ: "Tôi được phổ biến thêm rất nhiều kiến thức mới để chăn nuôi hiệu quả hơn như là: cách chăm sóc bê con vào những ngày rét hay các kiến thức về phòng và điều trị bệnh… Nhờ đó, năm nay, tôi bán được 9 con bê, thu về trên 100 triệu đồng. Đúng là chăn nuôi quy mô lớn, thu nhập cũng lớn. Cảm ơn chính quyền các cấp đã có những hỗ trợ để nông dân chúng tôi có động lực đầu tư chăn nuôi quy mô lớn”.
Không chỉ có bà Nhu, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã có 249 cơ sở, 1 tổ hợp tác (với quy mô 40 con trâu, bò) cũng mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ với tổng kinh phí hỗ trợ 7,5 tỷ đồng. Đây không chỉ là nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân dân sản xuất mà còn thông qua việc triển khai thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa, tổng đàn gia súc chính của huyện đang từng bước phát triển theo đúng định hướng kế hoạch đề ra. 6 tháng đầu năm 2024, tổng đàn gia súc chính của huyện ước đạt 123.350 con, bằng 94,5% kế hoạch (cao hơn 14.542 con so với cùng kỳ).
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6.000 tấn (cao hơn 1.638 tấn so với cùng kỳ). Chính sách phát triển chăn nuôi còn khuyến khích các hộ đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học…, từ đó góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh động vật, hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường sống.
Bên cạnh hỗ trợ người chăn nuôi, Nghị quyết số 69 còn hỗ trợ triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị. Đến nay, huyện Văn Chấn đã và đang triển khai 2 dự án, hứa hẹn sẽ tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, bảo đảm kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra, tạo nền tảng vững chắc trong sản xuất.
Theo đó, thực hiện Dự án liên kết sản xuất măng tre Bát độ theo chuỗi giá trị, từ tháng 3/2024, chủ dự án là Công ty cổ phần Yên Thành đã cấp 42.950 cây giống cho 106 hộ dân ở các xã Thượng Bằng La, Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú để trồng mới 85,9 ha và đưa 50 ha thâm canh vào chuỗi liên kết.
Anh Trần Ngọc Nội - công chức địa chính - nông lâm xã Thượng Bằng La cho biết, trên địa bàn xã có 74 hộ tham gia Dự án liên kết sản xuất măng tre Bát độ theo chuỗi giá trị với tổng diện tích 60,2 ha, tỷ lệ sống đạt cao lên tới 98%. Hiện nay, cây giống đang sinh trưởng phát triển rất tốt, đã bắt đầu lên măng. Đối với Dự án chè vùng thấp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị do Công ty TNHH Chè Bình Thuận làm chủ dự án với quy mô trồng mới 30 ha, liên kết tiêu thụ 25 ha chè hiện đã có quyết định phê duyệt. Công ty đang tổ chức triển khai công tác đấu thầu cung cấp giống.
Việc tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 69 đã tiếp sức cho nông dân huyện Văn Chấn trong phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, cải thiện điều kiện về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Hoài Anh