Kiên Thành có tổng diện tích tre măng Bát độ trên 1.950 ha, trong đó diện tích giai đoạn cho kinh doanh là 1.865 ha với sản lượng năm 2024 ước tính đạt trên 20.200 tấn với giá bán dao động từ 5.500 đồng - 6.000 đồng/kg.
Là một trong những hộ trồng tre măng Bát độ đầu tiên và hiện sở hữu gần 10 héc-ta đang trong giai đoạn kinh doanh, vài năm gần đây, mỗi vụ măng, gia đình ông Lê Ngọc Chấn ở thôn Đồng Cát có thu nhập trên 200 triệu đồng từ cây tre măng Bát độ. Cây trồng này đã giúp gia đình ông Chấn có cuộc sống khá giả, mua sắm được nhiều tiện nghi hiện đại và nuôi con cái ăn học...
Ông Lê Ngọc Chấn phấn khởi: "Khi có chủ trương đưa cây tre măng Bát độ về trồng, tôi cũng đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay, gia đình tôi có gần 10 ha tre măng Bát độ. Cơ bản các diện tích đều đang trong giai đoạn cho thu hoạch. Vụ măng năm nay, nhờ thời tiết mưa nhiều, đất ẩm, măng mọc nhanh và nhiều nên gia đình thu được gần 50 tấn măng tươi với giá bán dao động từ 5.500 đồng - 6.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí thuê nhân lực, gia đình vẫn thu được trên 200 triệu đồng”.
Cũng như ông Chấn, ông Lộc Văn Đắc cùng thôn Đồng Cát phấn khởi: "Gia đình tôi có ít đất đồi nên diện tích không được nhiều. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, nhờ giá ổn định, gia đình chăm sóc tốt, chặt tỉa, khai thác phù hợp nên tre cho ra măng nhiều, cây to, sản lượng, chất lượng cũng tăng đáng kể. Niên vụ năm 2023, tổng thu từ tre măng Bát độ của gia đình được 160 triệu đồng thì vụ măng năm nay được hơn 180 triệu đồng. Những năm qua, nhờ nguồn thu nhập từ cây tre măng Bát độ, gia đình đã có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và nuôi con cái ăn học đầy đủ”.
Sản lượng, chất lượng và nhất là giá măng trên thị trường mấy năm gần đây duy trì ổn định đã khuyến khích người dân trồng mới, chăm sóc các diện tích hiện có, khai thác, thu hái đúng kỹ thuật để bảo vệ gốc giống. Hiện nay, Kiên Thành còn có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư mở dịch vụ thu mua và sơ chế măng rồi chuyển lại cho các công ty bao tiêu sản phẩm để chế biến sâu.
Một số cơ sở còn phát triển chế biến sâu thành các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương, như: măng chua ống tươi, măng chua ống luộc hút chân không, măng khô... vừa góp phần tiêu thụ măng ổn định vừa tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Ngoài khai thác sản phẩm măng, xã cũng tuyên truyền, vận động nhân dân chú trọng ươm củ, cây giống để phục vụ trồng mới. Bình quân hàng năm, người dân xã Kiên Thành cung ứng trên 90.000 củ, cây giống để phát triển trồng mới trên địa bàn huyện và các huyện lân cận về trồng như: Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn...
Cùng với sự ủng hộ của thời tiết, người dân xã Kiên Thành cũng luôn chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái nâng cao hiệu quả kinh tế tre măng Bát độ. Qua đó, tre măng Bát độ đã mang lại tổng thu nhập trên 100 tỷ đồng/năm, không chỉ giúp địa phương xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững mà còn giúp nhiều hộ vươn lên khá giả, làm giàu chính đáng.
Châu Á