Ông Đỗ Chí Thành - Chủ tịch UBND xã Bình Thuận cho biết: "Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã tập trung vào những nội dung, phần việc cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn. Trên cơ sở nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã tập trung đẩy mạnh công tác xã hội hóa để huy động sự đóng góp của nhân dân, toàn xã hội hoàn thiện các phần việc trong nội dung kế hoạch đề ra”.
Quyết tâm duy trì, nâng cao tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Thuận đã chủ động sáng tạo, điều hành linh hoạt, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các tiêu chí NTM nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, ổn định. Vì vậy, xã đặc biệt chú trọng hoàn thiện hệ thống hạ tầng nông thôn, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế.
Từ đầu năm 2024 đến nay, xã đã huy động nguồn lực bê tông hóa được trên 2 km đường giao thông nông thôn; xây dựng cầu tràn qua đường Khe Đỗng, cầu nhỏ thôn, khảo sát và hoàn thành các tuyến đường dự án và cầu Quăn 4; tu sửa và nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo đáp ứng được yêu cầu sản xuất; hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đồng bộ sẽ tạo điều kiện để nhân dân giao thương, thâm canh tăng vụ, mở mang phát triển các ngành, nghề tạo việc làm nâng cao thu nhập.
Theo đó, xã quy hoạch vùng sản xuất lúa nước với tổng diện tích gieo cấy năm là 280 ha, năng suất lúa cả năm đạt 58,5 tạ/ha, sản lượng 1.638 tấn; vùng trồng ngô diện tích 141 ha; vùng trồng sắn diện tích 27 ha; vùng trồng rau màu các loại diện tích trên 165 ha; vùng sản xuất chè diện tích trên 247 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 3.000 tấn; vùng trồng cây ăn quả với tổng diện tích 290 ha, sản lượng các loại quả đạt trên 1.500 tấn, giá trị đạt trên 3 tỷ đồng (tập trung chủ yếu ở các thôn: Kiến Rịa, Đát Tờ, Quăn 4).
Xã phát triển được trên 20 mô hình chăn nuôi quy mô tập trung theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, góp phần nâng tổng đàn trâu, bò, lợn của xã hàng năm đạt 6.000 con.
Mô hình chăn nuôi lợn thịt và lợn nái của gia đình anh Phạm Văn Thuận, thôn Chiềng được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn. Anh Thuận chia sẻ: "Ý thức được trách nhiệm trong việc xây dựng NTM, năm 2022, tôi đăng ký thực hiện mô hình nuôi lợn nái kết hợp lợn thịt theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, được hỗ trợ 40 triệu đồng. Bình quân, mỗi năm tôi bán 2 lứa lợn thịt và lợn giống, trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra tôi còn tập trung phát triển 2 ha đồi rừng kinh tế, kết hợp chăn nuôi gia cầm. Điều kiện kinh tế khá giả, mỗi năm, tôi đều đóng góp khoảng 20 triệu đồng cùng với thôn hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang đường làng ngõ xóm”.
Các hoạt động sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mạnh mẽ nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Đến nay, trên địa bàn xã có 3 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 200 lao động địa phương. Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập của người dân nâng cao rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã dự ước hết năm 2024 đạt trên 45 triệu đồng; hộ nghèo hết năm 2024 dự ước giảm xuống còn 3,6%.
Quyết tâm duy trì, giữ vững và nâng cao tiêu chí xã NTM, tạo điều kiện để xã hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025, cấp ủy, chính quyền xã Bình Thuận tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã hội hóa các nguồn lực để hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng cơ sở, tạo điều kiện để người dân mở rộng, đa dạng hóa các ngành, nghề kinh doanh, các mô hình phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thanh Tân