Tú Lệ nâng tầm chất lượng thương hiệu cốm

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/10/2024 | 10:11:52 AM

YênBái - Những ngày thu cuối tháng 9, trên khắp nẻo đường vào xã Tú Lệ (Văn Chấn) lại nhộn nhịp tiếng chày cối giã đều xen lẫn tiếng cười, nói của các bà, các chị. Cốm Tú Lệ từ lâu đã có "thương hiệu", là món quà hấp dẫn được nhiều du khách gần xa lựa chọn bởi hương vị dẻo thơm, ngọt ngào của cốm non.

Cốm đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân Tú Lệ có giá trị, chất lượng ngày càng nâng cao giúp bà con gắn bó với nông nghiệp.
Cốm đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân Tú Lệ có giá trị, chất lượng ngày càng nâng cao giúp bà con gắn bó với nông nghiệp.

Thung lũng Tú Lệ được vây quanh bởi ba ngọn núi rất đẹp và nổi tiếng là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song. Khí hậu vùng này quanh năm mát mẻ, đất màu mỡ do có nhiều mùn và khoáng chất, lại được thiên nhiên ưu ái cho hưởng nguồn nước suối đầu nguồn trong vắt chảy từ đỉnh đèo Khau Phạ đổ xuống khắp các bản làng theo hệ thống suối đá tự nhiên. Với những ưu thế thuận lợi từ thiên nhiên, vùng này nổi tiếng với đặc sản lúa nếp. 

Nếp Tú Lệ không chỉ thơm, dẻo đặc biệt mà có vị ngọt thanh rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc mà khó có nơi nào sánh bằng. Trong đó, cốm Tú Lệ có thể nói là loại đặc sản tinh tuý nhất làm từ nếp. Điều đặc biệt là ở Tú Lệ, bà con vẫn giữ được cách làm cốm hoàn toàn thủ công. Mùi thơm của nếp non thanh ngọt hoà quyện vào mùi cây cỏ, mùi rơm rạ và không khí trong lành, mát mẻ để lại nhiều ấn tượng trong lòng du khách.



Ngay từ 5 giờ sáng sớm, chị Hoàng Thị Thương ở thôn Nà Lóng, xã Tú Lệ đã ra ruộng cắt từng đòng lúa khi còn ngậm sữa. Toàn bộ công đoạn được cắt thủ công, không gặt đại trà mà phải lựa những bông chín đúng độ thì lúa mới dẻo, mới ngon, mỗi ruộng lúa thu hái từ 3 đến 4 lần mới hoàn thành công việc thu hoạch. Lúa non sau khi cắt, tuốt, sẽ được đãi qua nước và cho vào rang. Công đoạn rang cốm là quan trọng nhất, bếp lò rang cốm phải dùng củi, quan trọng người rang phải đảo đều trong lửa nhỏ, sao cho hạt lúa nóng đều, để nguội rồi đem tách vỏ đi giã. 

Tuỳ vào độ non của lúa, kinh nghiệm của người làm mà thời gian giã cốm, độ dẻo của các mẻ cốm cũng có giá trị khác nhau. Với kinh nghiệm làm cốm hơn chục năm qua, Chị Hoàng Thị Thương chia sẻ: "Để làm ra sản phẩm cốm dẻo thơm chất lượng gia đình tôi luôn thực hiện đúng quy trình, tỉ mỉ trong từng công đoạn với mong muốn mang đến sản phẩm tốt nhất cho khách hàng”.

Cốm Tú Lệ giờ đây đã trở thành "thương hiệu" được du khách gần xa đánh giá cao và cảm thấy thích thú khi được xem trực tiếp từng công đoạn làm cốm đồng thời lựa chọn mua cốm làm quà trong những chuyến đi chơi. Chị Nguyễn Khánh Huyền - Du khách đến từ Quảng Ninh cho biết: "So với các loại cốm khác tôi từng ăn, cốm Tú Lệ ngon hơn hẳn bởi hương thơm, độ dẻo cùng vị ngọt hấp dẫn nên trong chuyến đi chơi này tôi đã chọn mua mang về làm quà cho gia đình”.

Hiện nay người dân tại các thôn bản trong xã Tú Lệ đều sản xuất cốm, trung bình một ngày, mỗi gia đình ở bản Nà Lóng làm được khoảng 20kg cốm với giá bán 120.000 đồng/kg. Đối với các gia đình có cửa hàng dọc Quốc lộ 32 cũng thực hiện theo hình thức bán hàng qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Có thời điểm mỗi ngày, một cửa hàng tiêu thụ ra thị trường từ 70-80kg cốm. Bên cạnh đó, để xây dựng chuỗi liên kết cho sản phẩm cốm, Hợp tác xã Dịch vụ Tú Lệ đã liên kết với một số doanh nghiệp đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cốm cho người dân. 

Vụ mùa này tại xã Tú Lệ người dân đã gieo cấy hơn 100ha giống lúa nếp Tan, đây là diện tích lúa được nhân dân gieo cấy để thu hoạch làm cốm, sản lượng nếp Tan hàng năm đạt trên 500 tấn, đây là nguồn thu nhập lớn đối với người dân. Xã Tú Lệ thường xuyên kiểm tra, khảo sát, vận động các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, hiện đại hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, vận động các hộ ghi tên số điện thoại trên các bao bì sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường, hỗ trợ các hộ tham gia chương trình OCOP, thông qua đó sẽ khẳng định chất lượng, quảng bá hình ảnh sản phẩm cốm của địa phương. 

Ông Hoàng Văn Soàn - Chủ tịch UBND xã Tú Lệ cho biết: "Đối với các hộ kinh doanh sản xuất cốm đều thực hiện niêm yết giá, số điện thoại công khai để khách hàng dễ dàng tiếp cận đồng thời tiếp tục quảng bá giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, bày bán sản phẩm tại các lễ hội, gian hàng hội chợ… cho ngày càng nhiều khách hàng biết đến để tiêu thụ sản phẩm”.

Cốm Tú Lệ đã trở thành biểu tượng văn hóa của người dân nơi đây có giá trị, chất lượng ngày càng nâng cao giúp bà con gắn bó với nông nghiệp, mở rộng diện tích giữ gìn giống lúa nếp Tan bản địa, phát triển tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thái gắn với làng nghề truyền thống theo hướng bền vững, làm nên thương hiệu của mảnh đất vùng cao Văn Chấn với thức quà quê dân dã được ví như những hạt ngọc quý của núi rừng Tây Bắc.
Bùi Minh

Tags Cốm Tú Lệ Văn Chấn Yên Bái nếp tan OCOP

Các tin khác
Giá vàng nhẫn tròn giảm về mức 83,1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (10/10), giá vàng nhẫn tròn giảm 300.000 đồng/lượng so với hôm qua, về mức 83,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC duy trì mức 83 - 85 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 10657/BTC-ĐT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công khai các dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 nguồn ngân sách trung ương - vốn trong nước do địa phương quản lý.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Trấn Yên.

Cơn bão số 3 (YAGI) đi qua đã để lại thiệt hại vô cùng lớn cho tỉnh Yên Bái. Cùng với các ngành, địa phương, ngành ngân hàng Yên Bái đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại, sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão lũ.

Lãnh đạo xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn.

Trong quá trình phát triển chăn nuôi và chế biến nông sản các trang trại, gia trại, hộ gia đình trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh và hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục