Hiện trạng giao thông
Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các sở ngành, thị xã Nghĩa Lộ luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tập trung xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tập trung phấn đấu hướng tới mục tiêu xây dựng thị xã Nghĩa Lộ cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025 theo hướng đô thị xanh, thông minh và bền vững.
Bà Đỗ Thị Thanh Nga - Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghĩa Lộ phát triển thành đô thị loại III, năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị thị xã Nghĩa Lộ giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó UBND thị xã đã phê duyệt 10 đồ án quy hoạch xã, cụ thể là 4 đồ án quy hoạch chung xã nông thôn và 6 quy hoạch phân khu xã theo định hướng nâng cấp đô thị”.
Theo đó, về giao thông, thị xã Nghĩa Lộ là đầu mối giao thông vùng liên huyện, có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi (quốc lộ 32 là trục kinh tế thứ ba - phát triển hệ thống hạ tầng giao thông sẽ là động lực quan trọng giúp tỉnh Yên Bái hình thành các trục kinh tế theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và tuyến tỉnh lộ 174 chạy qua).
Đây là các tuyến đường đối ngoại chính của thị xã, cùng với hạ tầng giao thông trong khu vực, kết nối thị xã với trung tâm thành phố Yên Bái và các huyện phía Tây của tỉnh gồm: Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và kết nối khu vực phía Tây của tỉnh với các tỉnh lân cận như: Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ. Vì vậy, nhiều năm qua, mạng lưới giao thông tại thị xã được đầu tư, nhiều tuyến đường được cải tạo và nâng cấp, chỉnh trang, đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Quốc lộ 32 đoạn vào đầu vào thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh TL
Về giao thông nội thị, đến nay mạng lưới đường giao thông khu vực các phường hiện hữu của thị xã có tổng chiều dài 21,47 km (trên địa bàn thị xã có trên 60 km đường). Các trục đường chính ở trung tâm thị xã được quan tâm, thường xuyên cải tạo, chỉnh trang nhiều hạng mục như mặt đường, hành lang, vỉa hè, cống rãnh thoát nước. Tỷ lệ diện tích đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 10,24 %.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa - Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Trong những năm qua, hạ tầng giao thông của thị xã Nghĩa Lộ được quan tâm đầu tư với những công trình trọng điểm như đường vành đai suối Thia, đường trục chính phường Tân An- Thanh Niên kéo dài, đường nối quốc lộ 32 ra đường nối cao tốc Nội Bài- Lào Cai (ra nút giao IC 14), tuyến đường tránh thị xã….
Hiện, hệ thống giao thông thị xã Nghĩa Lộ về cơ bản đang được triển khai đầu tư xây dựng trên cơ sở tuân thủ theo định hướng của quy hoạch chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận đến năm 2035 và quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt”.
Những bất cập
Những kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực và quan tâm rất lớn của tỉnh và thị xã đến đầu tư và phát triển hệ thống giao thông kết nối trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển hạ tầng giao thông ở thị xã Nghĩa Lộ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị, diện tích đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 10,24% đất xây dựng đô thị, thấp hơn rất nhiều so với quy định (phải đạt từ 13 – 19% so với đất xây dựng đô thị tối thiểu theo tiêu chuẩn phân loại đô thị loại III; theo quy chuẩn quy hoạch thì tính đến đường liên khu vực 6%; tính đến đường khu vực 13%; tính đến đường phân khu vực 18%).
Tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với sự gia tăng dân số kéo theo các phương tiện giao thông cá nhân đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ có tổng số khoảng 50.000 phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là phương tiện cá nhân, trong đó trên 42.000 xe máy, khoảng 7.000 ô tô con.
Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng các phương tiện giao thông cá nhân bình quân là 11%/năm, trong khi đó tăng trưởng về chiều dài đường chỉ đạt 3,9%/năm, diện tích mặt đường 0,25%/năm, đặc biệt khu vực các phường hiện hữu thị xã gần như không tăng.
Được biết, trong năm 2024, thị xã đã dành tổng mức đầu tư 479 tỷ đồng với 36 công trình, dự án từ ngân sách của trung ương, ngân sách tỉnh và địa phương cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị phục vụ kết nối giao thông du lịch và an sinh xã hội đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả sử dụng. Các công trình ứng phó biến đổi khí hậu đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn (công trình chỉnh trị suối Thia…).
Quảng trường Golden Field, thị xã Nghĩa Lộ
Hiện, thị xã Nghĩa Lộ đang trong quá trình xây dựng theo tiêu chí đô thị loại III nhưng việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn còn những hạn chế nhất định, như: nguồn lực đầu tư vào hệ thống hạ tầng đô thị thông minh chưa nhiều, nhất là hệ thống giao thông công cộng, mới đầu tư được hệ thống đèn tín hiệu giao thông và camera trên các trục đường chính.
Hơn nữa, sau khi mở rộng địa giới hành chính và Quy hoạch chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận được phê duyệt, đến nay, Nghĩa Lộ đã phát triển rất nhanh, hình thành một số khu vực lớn với nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, công viên cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng xã hội được xây dựng…Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đầy đủ theo quy hoạch; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về đô thị thông minh còn thiếu, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung trong lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị và các dữ liệu chuyên ngành…
Giải pháp
Vậy làm gì để phát triển nâng cao hệ thống giao thông thông minh gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu? Theo lãnh đạo thị xã Nghĩa Lộ, trước hết cần phải lập điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Nghĩa Lộ đến năm 2040, tầm nhìn 2060 theo hướng đô thị du lịch sinh thái (ECO), đô thị sinh thái kinh tế (ECO2) và đô thị thích ứng để giải quyết các thách thức phát triển, thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững.
Quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị theo các chương trình mục tiêu quốc gia, nâng cao hiệu quả kết nối đô thị - nông thôn, kết nối giữa lõi đô thị hiện hữu và khu vực phát triển đô thị 6 xã và khu vực nông thôn. Trong đó, tiếp tục đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị (xây dựng thêm các công viên cây xanh tại các khu vực định hướng phát triển đô thị như các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Lộ, Phù Nham, Sơn A ...), xanh hóa cảnh quan, thu gom xử lý triệt để rác thải (xây dựng và đi vào hoạt động Nhà máy xử lý rác thải), nước thải đô thị (xây dựng trạm xử lý nước thải tại xã Nghĩa Lợi)…
Cùng với đó, phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp (nhân rộng mô hình xe ngựa, xe điện, tách riêng đường đi bộ và xe đạp phục vụ du lịch trên địa bàn); làm tốt công tác tuyên truyền nếp sống văn hóa đô thị, ý thức về trật tự đô thị trong quần chúng nhân dân gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường....
Thị xã Nghĩa Lộ là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái. Thực hiện Nghị Quyết số 871, ngày 10/1/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Yên Bái, ngày 01/02/2020, thị xã Nghĩa Lộ được mở rộng trên cơ sở sáp nhập nguyên trạng 7 đơn vị hành chính cấp xã từ huyện Văn Chấn. Hiện nay, Nghĩa Lộ có diện tích tự nhiên 107,78 km2, dân số khoảng 75.000 người, gồm 14 đơn vị hành chính cấp xã (4 phường, 10 xã).
|
Văn Tuấn