Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025; Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ giai đoạn 2021-2025, năm 2024, tỉnh Yên Bái đã tiếp tục triển khai các chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện nhiều phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; tăng cường kết nối phát triển thương mại giữa thành thị và nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp thương mại phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ để phân phối chủ yếu hàng công nghiệp tiêu dùng ở thị trường nông thôn; quan tâm, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nội tỉnh.
Theo Sở Công thương tỉnh, đến nay, tỉnh đã hoàn thành đưa vào hoạt động 2 showroom ô tô; hoàn thành xây dựng chợ Bến Đò mới, chợ Đồng Tâm (thành phố Yên Bái), chợ Mường Lò khu C (thị xã Nghĩa Lộ); chợ Lục Yên (huyện Lục Yên), chợ xã Khao Mang (huyện Mù Cang Chải); thực hiện đầu tư, cải tạo nâng cấp 6 chợ nông thôn; phát triển mới thêm 9 cửa hàng xăng dầu và nhiều hạ tầng bán lẻ khác.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút 5 dự án đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng. Trong đó, Dự án
Trung tâm thương mại GO! Yên Bái tại thành phố Yên Bái có quy mô gần 13.000m2, được xây dựng theo mô hình đa tiện ích, dự kiến đi vào vận hành trong quý 4/2025.
Thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng hàng hóa đảm bảo, đáp ứng yêu cầu các thị. Hiện nay toàn tỉnh có trên 90 doanh nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ...) và hơn 30 thị trường khác.
Giá trị xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 309,37 triệu USD, bằng 73% kế hoạch năm. Ước cả năm đạt 420 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2023, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2021.
Để vượt phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết "phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”, trong thời gian tới, ngành công thương tỉnh sẽ đề xuất với tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; trong đó, tập trung phát triển công nghiệp chế biến có lợi thế cạnh tranh về vùng nguyên liệu, sử dụng công nghệ hiện đại thân thiện môi trường; chế biến lâm sản; chế biến sâu khoáng sản; vật liệu xây dựng cao cấp; cơ khí, chế tạo phục vụ phát triển nông nghiệp và công nghiệp chế biến.
Tiếp tục phát triển và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; duy trì và phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Tiếp tục phát triển các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thúc đẩy phát triển các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, quan tâm phát triển các khu, cụm công nghiệp đồng bộ về hạ tầng, hệ thống giao thông, hệ thống xử lý nước thải...; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; tăng cường thu hút vốn đầu tư trong nước và FDI vào chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ tại các khu, cụm công nghiệp.
Phát triển công nghiệp năng lượng dựa trên lợi thế của tỉnh như: thủy điện vừa và nhỏ, điện sinh khối, điện gió và điện mặt trời; xây dựng hệ thống lưới điện đồng bộ để vận hành hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Cùng đó, ngành sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình khuyến công, tiết kiệm năng lượng để hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử; xây dựng website giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề; kết hợp, lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính (PAPI) cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện đơn giản nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp... Thu hút đầu tư hạ tầng giao thông cấp thiết có tính chất kết nối liên vùng để nâng cao năng lực vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư; nâng cao chất lượng và hiệu quả liên kết vùng...
Văn Dương