Phan Thanh là xã vùng III, nằm phía Tây của huyện Lục Yên. Đây là xã thuần nông, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có 5 thôn với 586 hộ, 2.262 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm 24%, dân tộc Nùng 61,2%, dân tộc Dao 11,8 %, dân tộc Kinh chiếm 2,8%, còn lại là các dân tộc khác.
Đồng chí Vi Văn Phú - Chủ tịch UBND xã Phan Thanh cho biết: "Những ngày đầu bắt tay triển khai Chương trình xây dựng NTM, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã đã thống nhất phương châm thực hiện các tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau”, vừa đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ, vừa đảm bảo tính bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương”.
Nói là vậy nhưng khi triển khai, Phan Thanh đối mặt vô vàn khó khăn. Theo Chủ tịch Phú, trở ngại lớn nhất là bởi đây là xã vùng III, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp còn chậm; trên địa bàn xã đã hình thành làng nghề đan rọ tôm, nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới chưa thực sự đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là nguồn lực hỗ trợ cho nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội.
Trước những khó khăn trên, cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, Đảng bộ xã Phan Thanh đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú, phù hợp; đặc biệt khơi dậy lòng tự hào, tự vươn lên trong xây dựng NTM của nhân dân.
Thôn Thủy Văn sau hơn 13 năm xây dựng NTM, diện mạo đã có nhiều khởi sắc, nhiều nhà xây kiên cố; đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng đều được kiên cố hóa.
Bà Hoàng Thị Hồng - Bí thư Chi bộ thôn Thủy Văn khẳng định: "Có được thành quả hôm nay là nhờ người dân nắm bắt được ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM. Cả thôn có 139 hộ, 30 đảng viên, không ai bảo ai, tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, ngày công làm đường giao thông, làm nhà văn hóa. Đến nay, đời sống của người dân trong thôn đang từng ngày khởi sắc”.
Cũng như người dân thôn Thủy Văn, 137 hộ dân thôn Rầu Chang luôn đồng lòng ủng hộ chủ trương xây dựng NTM, bởi họ hiểu thành quả xây dựng NTM chính là phục vụ cho chính người dân lâu dài. Ông Vi Quốc Đạt - Trưởng thôn Rầu Chang chia sẻ: "Trước đây, đời sống của người dân trong gặp nhiều khó khăn, đường sá đi lại chủ yếu là đường đất, kinh tế chậm phát triển. Nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng NTM người dân trong thôn đã hiến đất, cây cối và hoa màu để làm đường bê tông; nhiều hộ mạnh dạn đầu tư các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao”.
Xác định nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu chính trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nên ngay từ khi thực hiện Chương trình, Đảng bộ, chính quyền xã, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng các mô hình kinh tế trên cơ sở khai thác thế mạnh của địa phương.
Qua đó, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại; chú trọng phát triển kinh tế rừng.
Đến nay, Phan Thanh đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung như: vùng trồng cây ăn quả có múi; vùng trồng lạc; hình thành mô hình liên kết theo chuỗi giá trị (mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lạc đỏ của Tổ hợp tác trồng lạc đỏ xã Phan Thanh với Hợp tác xã Thái Sơn, xã Tân Lĩnh); quy hoạch và hình thành vùng nuôi cá lồng tại thôn Ro.
Cán bộ chủ chốt xã Phan Thanh họp rà soát, đánh giá các tiêu chí về xây dựng NTM
Cùng với đó, xã tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn gia súc chính hàng năm trên 6.300 con và đàn gia cầm trên 45.500 con; phát triển cây lâm nghiệp với diện tích rừng trồng sản xuất trên 2.000ha, trong đó quế là cây trồng chủ lực.
Chủ tịch UBND xã Vi Văn Phú thống kê: "Nhờ phát huy và khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, trong giai đoạn 2011-2024, từ nguồn vốn trực tiếp và nguồn vốn lồng ghép khác, xã đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp. Hiện, xã có 3 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao OCOP (sản phẩm cá quả sấy Hoàng Hà, cá mương sấy Hoàng Hà, cá rô phi sấy Hoàng Hà); có 02 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu (sản phẩm lạc đỏ, sản phẩm gà trống thiến); 01 sản phẩm lạc được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 2,1 ha (sản phẩm lạc đỏ của Tổ hợp tác trồng lạc đỏ xã Phan Thanh); có làng nghề đan rọ tôm với 151 hộ dân tham gia; 10 tổ hợp tác tập trung trong lĩnh vực đan lát và trồng trọt”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, qua 13 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông thôn Phan Thanh ngày càng đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm; tỷ lệ nghèo đa chiều còn 9,72%. Đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngày càng được củng cố vững chắc. Đó là những dấu ấn, tiền đề vững chắc cho Phan Thanh tiếp tục phát huy, duy trì các tiêu chí NTM đã đạt được, hướng tới xây dựng NTM nâng cao trong những năm tiếp theo.
Văn Tuấn