Phát huy lợi thế để xuất khẩu bền vững vào Mỹ sau khi ông Donald Trump đắc cử

  • Cập nhật: Thứ bảy, 9/11/2024 | 8:42:52 AM

Theo các chuyên gia, tổng kim ngạch thương mại hai chiều ngày càng tăng cao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm qua cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng.

Hàng hóa chờ thông quan
Hàng hóa chờ thông quan

Trưa 6/11 theo giờ Việt Nam, kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ đã ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump giành chiến thắng thuyết phục. Đây cũng là nhiệm kỳ thứ 2 ông Trump giữ cương vị chủ nhân Nhà Trắng, sau nhiệm kỳ một từ năm 2016-2020.

Trong thời gian qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tốc độ phát triển hết sức ấn tượng. Vì vậy, đánh giá của nhiều chuyên gia cho thấy, việc ông Donald Trump đắc cử lần thứ 2 sẽ mang đến nhiều tác động quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có những ngành hàng thế mạnh như: thép, dệt may, thủy sản, gỗ…

Thị trường số 1 của Việt Nam

Tính đến năm 2021, sau 26 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao, thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ tăng hàng trăm lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 111,56 tỷ USD.

Đáng chú ý, giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch COVID-19 và xung đột thương mại toàn cầu diễn biến gay gắt, nhưng Hoa Kỳ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam tiếp tục vươn lên, trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ.

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ sụt giảm mạnh do tác động từ suy giảm kinh tế, lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu, lãi suất cao… Tuy vậy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã cơ bản phục hồi và dần lấy lại đà tăng trưởng ổn định trong những tháng đầu năm 2024.

Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương cho thấy sau 9 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt kim ngạch khoảng 89,4 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 27,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 17,6%).

Xét về lĩnh vực chất bán dẫn và máy móc, dựa trên phân loại của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong quý 2/2024 đã tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ cũng là một trong những thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 10,9 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 6,2%. Như vậy, sau 9 tháng thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt con số 100,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thị trường Hoa Kỳ đang có những động thái kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Nhờ đó đã giúp nhu cầu tiêu dùng nhiều mặt hàng của Việt Nam tăng mạnh mẽ.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy hàng dệt may của Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ luôn đứng đầu về kim ngạch, sau 9 tháng năm 2024 đạt gần 12,01 tỷ USD, chiếm 43,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước, tăng 9,1% so với 9 tháng năm 2023. Riêng tháng 9/2024 đạt 1,22 tỷ USD, tăng 20,4% so với tháng 9/2023.

Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng là một thị trường chính nhập khẩu sắt thép của Việt Nam, với khoảng 1,11 triệu tấn trong 7 tháng năm 2024.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) nhìn nhận, sự phục hồi của ngành thép sẽ gắn liền với khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Bên cạnh đó các chính sách sắp tới của Hoa Kỳ cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội và thách thức riêng đối với ngành thép.

"Một mặt, khả năng thời gian tới, Mỹ tiếp tục tăng thuế đối với sản phẩm thép Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho thép Việt Nam cũng như các nước khác thay thế Trung Quốc trong việc thâm nhập thị trường Mỹ. Mặt khác, thâm hụt thương mại Mỹ-Việt tiếp tục gia tăng có thể dẫn đến rủi ro trong việc áp thuế với hàng nhập khẩu," đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cho hay.

Tập trung giải pháp xuất khẩu bền vững

Năm 2013, Việt Nam-Hoa Kỳ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện, đến năm 2023, hai nước chính thức nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Bên cạnh đó, hàng hóa của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Hoa Kỳ do chất lượng liên tục được cải thiện, cập nhật xu hướng cũng như có giá cả cạnh tranh. Mặt khác, sự thay đổi trong chuỗi cung ứng cũng như làn sóng dịch chuyển đầu tư đã góp phần tăng cường năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo cơ hội và dư địa cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu ra thế giới nói chung và thị trường Hoa Kỳ nói riêng.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc ông Donal Trump tái đắc cử, trong đó những chính sách kinh tế như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hút FDI về Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam, bao gồm xuất nhập khẩu, tỷ giá...

Với thị trường Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết Việt Nam luôn coi quan hệ kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính với Hoa Kỳ là động lực mạnh mẽ trong thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Theo đó, kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững, nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ kinh tế - thương mại song phương đã từng bước đạt kết quả tích cực, đem lại lợi ích quan trọng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Minh chứng rõ rệt nhất là tổng kim ngạch thương mại hai chiều ngày càng tăng cao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm qua (trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam liên tục vượt mốc 100 tỷ USD) cho thấy hàng xuất khẩu của Việt Nam được người tiêu dùng Hoa Kỳ ưa chuộng, còn thâm hụt thương mại là do cơ cấu ngoại thương và xu hướng xuất nhập khẩu mang tính bổ trợ giữa hai nước.

Còn theo số liệu của Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) tính đến hết tháng 08/2024, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 94 tỷ USD (tăng 18.9% so với cùng kỳ 2023), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 85,8 tỷ USD (tăng 17.6% so với cùng kỳ 2023), nhập khẩu khoảng 8,2 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ).

Như vậy, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch xuất khẩu), Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Tuy vậy, theo ông Hưng, Việt Nam cần có những biện pháp phù hợp để triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

"Các ngành hàng truyền thống như dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, nông nghiệp ... phục vụ nhu cầu tiêu dùng vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định, các ngành hàng khác cũng tận dụng cơ hội xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đồng thời lưu ý khả năng các vụ kiện có thể xảy ra,” ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý.

Về phía doanh nghiệp, để xuất khẩu bền vững tại thị trường Hoa Kỳ, đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam cũng đề xuất cơ quan chức năng tiếp tục các giải pháp nhằm đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, trở thành một đối tác tin cậy mang tính dài hạn.

Cùng với đó, nâng cao khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng, khả năng tự chủ trong sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Linh hoạt tìm kiếm, khai thác đa dạng nguồn nguyên liệu từ các quốc gia không nằm trong danh sách hạn chế của Mỹ.

"Vừa qua Đại sứ quán Mỹ đã tổ chức các buổi hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam kiểm soát chuỗi cung ứng để tránh bị áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh khi xuất khẩu vào Mỹ. Với truyền thống ngoại giao cây tre, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ tận dụng tốt nhất các cơ hội khi chính trường Mỹ có sự thay đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa đôi bên," đại diện VNSTEEL cho hay./.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại biểu hai nước dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc.

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 8/11, tại thành phố Trùng Khánh, dự tọa đàm Việt Nam – Trung Quốc nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 và thăm làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp, cơ hội và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn; doanh nghiệp hai nước cần thúc đẩy hợp tác, đầu tư trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”.

Nhân viên Viettel Yên Bái hướng dẫn tiểu thương cách chuyển và nhận tiền qua mã quét QR.

Hiện nay, tỷ lệ hộ kinh doanh tại chợ không dùng tiền mặt đạt gần 92%; hộ kinh doanh ngoài chợ đạt gần 95%. Đây là kết quả của việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình chợ 4.0 của thành phố Yên Bái.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp xây dựng.

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (56,74%), chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Vàng trang sức được bày bán tại cửa hàng ở Yangon, Myanmar.

Lãi suất USD thấp hơn gây áp lực lên “đồng bạc xanh” và lợi suất trái phiếu, từ đó làm tăng sức hấp dẫn của vàng, vốn là một tài sản không sinh lãi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục