Nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ tư, 1/1/2025 | 7:18:47 AM

YênBái - Năm 2024, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX; Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực địa tiến độ của gói thầu số 15 đoạn từ Km10+00 - Km20+00 thuộc Dự án đường kết nối các địa phương miền Tây với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Huy Tuấn cùng đoàn công tác của tỉnh kiểm tra thực địa tiến độ của gói thầu số 15 đoạn từ Km10+00 - Km20+00 thuộc Dự án đường kết nối các địa phương miền Tây với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15).

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tỉnh Yên Bái đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Chương trình hành động số 188-CTr/TU ngày 25/11/2023 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2024 của UBND tỉnh. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,91%, đứng thứ 7/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố (tăng 11 bậc so với năm 2023), bình quân 4 năm 2021-2024 đạt 7,54%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội. 


Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tạ Văn Long thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của  Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê, ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành.

Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo

Năm 2024, tỉnh Yên Bái bước vào thực hiện nhiệm vụ trong bối nền kinh tế có sự phục hồi. Tuy nhiên, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, đặc biệt bão số 3 - YAGI đã gây hậu quả nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Từ sự lãnh đạo kịp thời, quyết liệt, sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Yên Bái đã nhanh chóng ổn định đời sống, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Với phương châm hành động "Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”, ngay từ đầu năm, trong các cuộc họp của tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn yêu cầu các ngành, các địa phương rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 để có giải pháp triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, đảm bảo hoàn thành Chương trình hành động số 188 của Tỉnh ủy, Chương trình hành động số 01 của UBND tỉnh. 


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh kiểm tra mô hình trồng nấm dược liệu tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.

Đơn cử như trong giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu, UBND tỉnh Yên Bái đã tích cực chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản, giải pháp, đồng thời thành lập tổ công tác để giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế tại các dự án, nhất là các dự án động lực, trọng điểm; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng công trình xây dựng, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết…

Đồng chí Đoàn Hữu Phung - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái cho biết: "Năm 2024, Yên Bái là điểm sáng trong giải ngân vốn ngân sách nhà nước, luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh có tỷ lệ giải ngân đứng đầu cả nước, đặc biệt là thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia”.

Triển khai thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược, Yên Bái tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương và của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021- 2025; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; chính sách thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp... 

Tập trung thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đền năm 2050. Rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 cấp tỉnh…


Năm 2024, Yên Bái là điểm sáng trong giải ngân vốn ngân sách nhà nước, luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh có tỷ lệ giải ngân đứng đầu cả nước.

Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tập trung cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, Yên Bái tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số; tạo việc làm gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị...

Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội

Với phương châm hành động "Kỷ cương, sáng tạo, đồng bộ, bứt phá, hiệu quả”, bức tranh kinh tế của tỉnh có nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng GRDP vượt kế hoạch đề ra, là mức tăng trưởng cao thứ 2 trong 10 năm trở lại đây. 

Sản xuất nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá trong bối ảnh nhiều diện tích nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ, đạt 3,56%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đã có 113/146 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,4% tổng số xã toàn tỉnh, tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước, cao gấp 1,5 lần so với bình quân chung cả vùng.
 
Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Với quan điểm "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", tỉnh Yên Bái tiếp tục khuyến khích, động viên nhân dân chung sức đồng lòng tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng huyện nông thôn mới… Đây là thước đo cho cấp ủy, chính quyền địa phương và nỗ lực của nhân dân trong hành trình nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới xây dựng những miền quê hạnh phúc, đáng sống.
 

Đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu xã Yên Thái.

"Không chỉ bằng khẩu hiệu, với tinh thần "chủ trương 1, chương trình 10, hành động 100”, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Yên đã biến phương châm thành hành động với những lộ trình bài bản, quyết tâm bứt phá trong xây dựng huyện nông thôn mới. Đến nay, Văn Yên đã hoàn thành các tiêu chí, đạt chuẩn huyện nông thôn mới” - đồng chí Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết..

Thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, phát triển kinh tế nông thôn; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản quy mô lớn gắn với hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh.
 
Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 309.958 tấn; tổng đàn gia súc chính ước đạt 890.000 con, bằng 102,1% kế hoạch; trồng mới 15.840 ha, vượt 5,6% kế hoạch; chứng nhận hữu cơ 9.400 ha/kế hoạch 13.400 ha; sản lượng thủy sản đạt 14.600 tấn, bằng 100% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023… 

Trong lĩnh vực công nghiệp, Yên Bái đã thu hút được một số dự án đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, dự án sản xuất, chế biến công nghiệp có quy mô lớn như: Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Phú Thịnh 3 của Công ty cổ phần công nghiệp EUP; Dự án Xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến quế của Công ty TNHH Hương Gia Vị Sơn Hà; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Trấn Yên (giai đoạn I) của Tổng Công ty Viglacera... 

Năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) của Yên Bái đạt 18.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch, tăng 8,7% so với năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 109,2% so với năm 2023, đứng thứ 8/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. 

Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh và khởi sắc với tốc độ tăng trưởng đạt 8,94%, đứng thứ 2 trong vùng và thứ 6 toàn quốc, cao nhất từ trước đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 30.105,2 tỷ đồng, vượt 7,52% kế hoạch; giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 425,5 triệu USD, đạt 101,3% kế hoạch năm; đón khoảng 2,15 triệu lượt khách du lịch, vượt 26,4% kế hoạch, tăng 3% so với năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt trên 270.000 lượt khách, đạt 90% kế hoạch; doanh thu du lịch ước đạt 1.790 tỷ đồng, vượt 19,3% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2023. 


Yên Bái huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu cụm công nghiệp, hạ tầng đô thị...

Tạo sức lan tỏa, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Yên Bái đã triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; ưu tiên nguồn lực cho các công trình, dự án trọng điểm, công trình có tính chất kết nối vùng, liên vùng. Tổng vốn đầu tư phát triển của tỉnh trong năm ước đạt 21.069 tỷ đồng, bằng 100,3% kế hoạch, tăng 5% so với năm 2023. 

Qua đó, Yên Bái đã hình thành thêm một số khu chức năng và khu đô thị mới, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn về dịch vụ, thương mại, công nghiệp và xây dựng. Năm 2024, toàn tỉnh đã bê tông hóa trên 437 km đường giao thông nông thôn, vượt 9,3% kế hoạch; nâng tổng số chiều dài đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên địa bàn toàn tỉnh lên 6.289/8.136 km, đạt 77,3% nhu cầu toàn tỉnh. Tỷ lệ đô thị hóa đạt ước đạt 25,0%.

Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều tiến bộ. Chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được nâng lên. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực. Bản sắc văn hóa các dân tộc tiếp tục được bảo tồn và phát huy hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện 10 nền tảng số "make in Yên Bái” và triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả về chuyển đổi số… 


Học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải trong giờ hoạt động ngoại khóa.

Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội; hoàn thành hỗ trợ trên 1.400 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo. Giảm nghèo nhanh và bền vững với tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh chỉ còn 5,68%, đứng thứ 6 trong vùng. Năm 2024, có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 66,52%, tăng 0,9% so với năm 2023.

Trên tinh thần "Quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, Yên Bái đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho nhân dân, tạo tiền đề quan trọng, động lực thúc đẩy phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong Trung du và miền núi phía Bắc.

Thành Trung

Tags Yên Bái Đảng bộ tỉnh YAGI giải ngân nông thôn mới

Các tin khác

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết mặc dù vẫn triển khai nhiều chính sách tài khoá hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, song công tác thu ngân sách vẫn vượt cao so với kế hoạch đề ra, lần đầu tiên vượt 2 triệu tỷ đồng.

Mô hình trồng dâu, nuôi tằm tại xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn cho hiệu quả kinh tế cao.

Hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò là cầu nối giữa Nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ dân và thị trường; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hướng dẫn người dân  khử trùng chuồng trại, sử dụng vắc xin phòng bệnh cho đàn  gia cầm.

Vượt qua nhiều rào cản về thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là thiệt hại về gia súc, gia cầm trong cơn bão số 3 (Yagi), với nỗ lực của ngành chức năng, chính quyền địa phương và sự kiên trì của người dân, ngành chăn nuôi Yên Bái đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng.

Nông dân xã Báo Đáp ươm cây quế giống.

Khai thác tiềm năng và thế mạnh, triển khai đồng bộ và đa dạng, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, tạo sản phẩm hàng hóa, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đã thiết thực nâng cao thu nhập cho người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục