Những ngày đầu năm 2025, chúng tôi trở lại xã Nậm Khắt - địa phương đầu tiên của huyện Mù Cang Chải hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với những đổi thay về cơ sở hạ tầng, diện mạo nông thôn nơi đây có những chuyển biến lớn với nhiều mô hình SXNN hiện đại, tập trung. Đến thăm trang trại trồng cà chua 2 ha được đầu tư gần 5 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Mùi ở thôn Lả Khắt, chúng tôi choáng ngợp bởi những luống cà chua chi chít quả.
Anh Mùi chia sẻ: "Giống cà chua Beep rất phù hợp với khí hậu Mù Cang Chải, nhất là ở Nậm Khắt, không cần kỹ thuật cao trong chăm sóc, chỉ cần chú ý bón phân trong thời điểm cây bắt đầu ra hoa, đậu quả. Nhờ đầu tư nhà màng, hệ thống tưới nước sạch từ khe núi nên năng suất, chất lượng quả tốt, hạn chế sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học. Cà chua chín sẽ hái lần lượt từ gốc đến ngọn. Cà chua thường trồng từ khoảng tháng 3 - 4 Âm lịch, thu hoạch từ tháng 6 - 7, thời gian thu hoạch có thể kéo dài từ đến 3 - 3,5 tháng mới hết vụ”.
Được biết, quy trình sản xuất cà chua của anh Mùi được thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có theo dõi nghiêm ngặt, có sổ ghi nhật ký và thực hiện cách ly bảo đảm thời gian trước khi thu hái. Sản phẩm được đóng thùng nhựa rồi chuyển về bán buôn cho các chợ đầu mối ở Vĩnh Phúc, Hà Nội với giá dao động theo mùa (giữa vụ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại, lúc trái vụ có thể lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg). Trang trại còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
Rời Nậm Khắt, chúng tôi lên đỉnh Háng Gàng, xã Lao Chải - nơi chuyên canh nông nghiệp sạch của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch T&D. Gần 12 ha rau, quả được đầu tư bài bản theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống giàn được làm bằng ống kẽm, dây thép.
Theo anh Phạm Quang Thọ - Giám đốc HTX, nhận thấy vùng đất này có khí hậu mát mẻ quanh năm, đất đai dồi dào nên từ năm 2007 anh có ý tưởng phát triển mô hình SXNN sạch. Ban đầu, anh chủ yếu trồng táo mèo và một số loại rau. Đến năm 2019, anh quyết định thành lập HTX Nông nghiệp sạch T&D với 7 thành viên, hoạt động chính là sản xuất rau, củ, quả; trong đó, trồng su su là chính.
"Hiện, HTX có 12 ha su su, mùa thu hoạch quả thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến tháng 11, tháng 12 Dương lịch. Một héc - ta su su cho thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Vào vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường từ 7 - 10 tấn quả cho các chợ đầu mối ở Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg; cuối vụ giá từ 10.000 - 12.000 đồng/kg. Hiện, có một số người từ Ấn Độ, Đài Loan đã đến tìm hiểu và mong muốn nhập khẩu sản phẩm su su của HTX. Vì vậy, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng, sản lượng, phấn đấu cung ứng ra thị trường từ 15 - 20 tấn quả/ngày” - anh Thọ cho biết thêm.
Cùng với cà chua, su su, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải tập trung chuyển đổi các diện tích SXNN kém hiệu quả sang trồng các cây trồng có giá trị cao, mang lại thu nhập cho người dân như mô hình trồng hoa hồng, trồng nấm ở xã Nậm Khắt; trồng sâm Ngọc Linh ở xã Kim Nọi; trồng cà phê ở xã Khao Mang…
Anh Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư PALEX Việt Nam - đơn vị triển khai mô hình trồng sâm cho biết: "Đến nay, Công ty có 3,5 ha sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và nhiều loại cây dược liệu khác có giá trị kinh tế cao. Hiện, vườn sâm bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại; trong đó, có những củ sâm được bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/kg. Đi cùng với giá trị kinh tế, vườn sâm cũng tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Những thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để mở rộng diện tích cũng như chuyển giao kỹ thuật cho người dân cùng phát triển”.
Theo ông Lương Văn Thư - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, 5 năm qua, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức gần 80 buổi với trên 150 lượt cán bộ, công chức về cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển SXNN: chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi giá trị; trồng dược liệu, cây ăn quả… Nhờ đó, toàn huyện hiện có 529 cơ sở chăn nuôi hàng hóa; trên 400 ha cây ăn quả; xây dựng được 15 sản phẩm OCOP; 7 dự án phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị; 700 ha lúa chất lượng cao...
Với việc tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào SXNN theo chuỗi giá trị và phát triển các sản phẩm OCOP, SXNN ở Mù Cang Chải đã có bước chuyển mình mạnh mẽ với những mô hình chuyên canh tập trung, quy mô lớn, nhất là từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân nơi đây.
Huyện Mù Cang Chải có khí hậu khắc nghiệt, đất đai độ dốc lớn, nghèo dinh dưỡng, SXNN thường manh mún, trình độ canh tác lạc hậu. Với quan điểm "biến khó khăn thành lợi thế”, những năm gần đây, trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình SXNN sạch theo hướng hữu cơ, VietGAP phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhiều nông sản đặc trưng được công nhận sản phẩm OCOP, thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. |
Hùng Cường