Sâm Ngọc Linh trên đất Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/1/2025 | 9:13:04 AM

YênBái - Sau 6 năm triển khai trồng, từ chỗ thử nghiệm đến nghiên cứu sản xuất ra giống tại chỗ, quy trình trồng, chăm sóc, phát triển, đến nay, sâm Ngọc Linh - một loài cây được ví như “Quốc bảo của Việt Nam” đã bén duyên đất vùng cao Mù Cang Chải. Qua đó, không chỉ cho người dân thêm cơ hội phát triển kinh tế mà còn cung cấp những sản phẩm thảo dược quý hiếm cho người sử dụng.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan vườn trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu của Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam ở xã Kim Nọi.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan vườn trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu của Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam ở xã Kim Nọi.


Hành trình từ người mua sâm đến trồng sâm

Những ngày đầu năm 2025, chúng tôi tìm đến trang trại trồng sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam ở bản Dào Xa, xã Kim Nọi. Từ trung tâm huyện, chúng tôi lên xe men theo con đường vùng cao, vừa dốc lại vừa vòng vèo lên tận gần đỉnh núi nơi sương mù bao phủ nhiều trong năm. 

Trước cái cổng có gắn biển to, ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư PANAX Việt Nam - đơn vị triển khai mô hình trồng sâm Ngọc Linh đã đón chờ sẵn, rồi dẫn chúng tôi vào trang trại. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà 2 tầng lắp ghép bằng khung sắt, Giám đốc Nguyễn Đức Thuận rót chén  trà sâm Ngọc Linh thơm lừng mời khách. Ông mở đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu: "Đây, các anh cứ thưởng thức sản phẩm của chính chúng tôi làm ra, rồi cảm nhận hương vị và chúng ta sẽ trao đổi từ từ”. 

Sau một hồi vừa thưởng thức trà sâm vừa trao đổi, ông Thuận vừa kể: "Cũng không phải tự nhiên tôi nghĩ ra trồng sâm ở nơi đây. Chuyện phải kể từ hơn chục năm về trước. Tôi vốn là dân buôn bán dược liệu, sau nhiều lần lên Mù Cang Chải thu mua quả sơn tra, thảo quả, dược liệu và tình cờ bắt gặp người dân đi rừng về, họ thu được những cây sâm Ngọc Linh hoang dã, tự nhiên từ trong rừng về để bán. Thấy sâm củ to, cây tốt, tôi mua về thử chất lượng thấy rất tốt rồi dần dần về sau, người dân ngày càng không thu hái được nhiều nữa nên tôi đã nảy sinh ý tưởng trồng sâm và địa điểm chọn chính là trên đỉnh núi nơi người dân từng thu hái được sâm tự nhiên. Bởi nơi đó, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước sẽ thích nghi nhất cho sâm sinh trưởng và phát triển cho chất lượng, sản lượng và hiệu quả cao nhất”. 

Từ một người vốn am hiểu về dược liệu, ông Thuận lại càng thấy rõ sự cần thiết về nguồn cung cho thị trường và nhất là chất lượng, giá trị thực của sản phẩm đối với chăm sóc sức khỏe con người... "Từ những suy nghĩ đó, tôi đã mang ý tưởng kể cho những người cùng chí hướng và mọi người đã bắt đầu xây dựng kế hoạch với kết quả, mô hình trồng sâm Ngọc Linh đã ra đời, bắt đầu trồng thử nghiệm vào năm 2019. Đến năm 2022 thấy sâm phát triển tốt, chúng tôi chính thức thành lập Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam” - ông Nguyễn Đức Thuận chia sẻ thêm.

Triển vọng và cơ hội mới

Nhờ được thiên nhiên ban tặng cho vùng khí hậu, thổ nhưỡng mùa đông lạnh, mùa hè mát mẻ, địa hình đồi núi với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, tạo ra môi trường lý tưởng, phù hợp cho cây sâm sinh trưởng, phát triển nên năm 2019, xã Kim Nọi đã được Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam chọn làm nơi đặt trang trại trồng sâm Ngọc Linh và nhiều dược liệu khác với diện tích rộng gần 6 ha, được xây dựng bài bản với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Riêng diện tích trồng sâm Ngọc Linh hơn 4 ha. 

Trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh thường phân bố ở địa hình có độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, môi trường dưới tán rừng nguyên sinh, đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng, độ che phủ đạt từ 70 - 90%... Bởi vậy, để tạo môi trường phù hợp cho sâm Ngọc Linh phát triển, Công ty đã đầu tư khu vườn sâm một cách bài bản với hệ thống rào lưới xung quanh để ngăn gia súc; toàn bộ khu vực được làm giàn, phía trên che bằng lưới đen để giảm ánh nắng mặt trời, xây bể dự trữ nước, duy trì chế độ tưới ẩm thường xuyên, giữa các luống đều có rãnh thoát nước nhanh khi trời mưa, chống ngập úng... 

Bên cạnh đó, Công ty còn hợp tác với Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) để phát triển và bảo tồn các loài sâm quý cũng như nhân giống tại chỗ nhằm đảm bảo nguồn giống thuần chủng, thích nghi với môi trường, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, Công ty cũng đã nhận 12 lao động địa phương để làm việc quanh năm với thu nhập bình quân từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, vừa giải quyết việc làm vừa tiếp cận quy trình trồng, chăm sóc để chuyển giao kỹ thuật cho người dân địa phương sau này.

Chỉ vào những luống sâm củ trồi lên khỏi mặt đất, ông Nguyễn Đức Thuận phấn khởi: "Hiện nay, Công ty có nhiều diện tích sâm với số lượng hơn 2.000 củ đã đủ tuổi thu hoạch theo quy định, đạt từ 6 năm tuổi trở lên. Theo kết quả kiểm định số 218 của Viện Dược liệu ngày 4/12/2024, sâm của Công ty đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng; riêng sản lượng có trên 90% củ đạt từ 80 - 125 gam/củ. Sản phẩm của Công ty đang có giá dao động từ 15 - 20 triệu đồng/kg với mã sản phẩm từ 12 đến 13 củ 1kg, còn mã sản phẩm to, đẹp hơn hoặc nhiều năm tuổi hơn sẽ có giá cao hơn”. 


Trang trại trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu của Công ty giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Ngoài ra, từ năm 2023 đến nay, Công ty đã tận dụng lá sâm để sản xuất một số loại trà sâm bán cho người tiêu dùng phổ thông và nhận được phản hồi tích cực. Công ty cũng đã quy hoạch xây dựng khu nhà xưởng với diện tích hơn 300m2 đảm bảo theo tiêu chuẩn ISO 22000 để tự sản xuất thành phẩm các sản phẩm về sâm cung ứng cho thị trường với phương châm khép kín từ cây giống, trồng đến sản xuất thành phẩm. Về nguồn giống, ngoài sản xuất để phục vụ phát triển tại chỗ, Công ty còn sản xuất số lượng lớn các loại giống sâm, cây dược liệu mà Công ty đang phát triển đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để cung cấp ra thị trường. 

Ở Mù Cang Chải, quỹ đất trong điều kiện khí hậu tương đồng còn lớn, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn cung về sâm Ngọc Linh chuẩn trên thị trường ngày càng khan hiếm, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng xuất khẩu ngày một lớn... Đó là cơ hội tiềm năng cho Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam nói riêng và toàn huyện nói chung để phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý. 

Ông Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Các loài sâm và cây dược liệu quý có nguồn gốc từ rừng, về cơ bản môi trường sống đều ưa bóng mát, ẩm, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước nhanh và độ PH phù hợp... nên khó trồng. Tuy nhiên, từ kết quả chất lượng, sản lượng sâm Ngọc Linh và dược liệu mà Công ty đã trồng ở xã Kim Nọi cho thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp với sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu này. Như vậy, huyện sẽ có thêm loại cây trồng mới triển vọng để nhân dân lựa chọn trong phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo trong tương lai”.

Được biết, quy trình trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu quý tuy còn đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao, thời gian đợi thu hoạch kéo dài, người trồng cần kiên nhẫn và có kỹ thuật chăm sóc tốt trong nhiều năm nên cũng là một cái khó với người dân bản địa. Song, chúng tôi tin tưởng, với sự cầu thị, ham học hỏi của người dân nơi đây và hơn hết là đã được trồng thử nghiệm thành công, nguồn giống cũng được sản xuất tại chỗ nên việc phát triển, nhân rộng mô hình trồng sâm sẽ không làm khó được những người dân có ý chí vươn lên ở nơi đây. 

Chia tay Mù Cang Chải, chúng tôi mang theo kỳ vọng về tương lai của loài cây được ví như "Quốc bảo của Việt Nam”. Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và kết quả trồng bước đầu, khi được quy hoạch tốt, Mù Cang Chải có thể trở thành trung tâm trồng cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có chất lượng, giá trị cao, thương hiệu uy tín của tỉnh. Hơn hết là mở thêm hướng phát triển kinh tế giúp người nông dân làm giàu chính đáng.

Sau 6 năm thực hiện, Công ty PANAX đã trồng được nhiều loài sâm quý và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Vũ Diệp, tam thất, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa... Đến nay, trang trại trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu đã bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại đầu tiên. 

A Mua

Tags Mù Cang Chải Kim Nọi sâm Ngọc Linh Công ty cổ phần Đầu tư PANAX Việt Nam trà sâm cây sâm

Các tin khác
Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng 15.500 ha rừng các loại, trong đó phấn đấu trồng trên 12.000 ha rừng trong vụ xuân

Năm 2025, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng 15.500 ha rừng các loại, trong đó phấn đấu trồng trên 12.000 ha rừng trong vụ xuân, tỷ lệ che phủ rừng giữ ổn định 63%.

Thành viên Tổ hợp tác Chăn nuôi trâu, bò bản Xéo Dì Hồ B, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải chăm sóc đàn bò.

Nhằm huy động nguồn lực từ cơ sở, gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh và cải thiện đời sống người dân, những năm gần đây, tỉnh khuyến khích, triển khai nhiều chính sách, giải pháp nhằm xây dựng, thúc đẩy các mô hình tổ hợp tác (THT) trong phát triển kinh tế - xã hội.

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH Unico Global YB, Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

Năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã đối mặt với những khó khăn chưa từng có, từ thiên tai đến biến động kinh tế toàn cầu nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hứa hẹn cho đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025.

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ đạt được giải pháp song phương để giải quyết vụ kiện cá tra, basa là kết quả của thiện chí và nỗ lực đàm phán từ cả hai phía.

Theo tin từ Bộ Công Thương, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt thỏa thuận trong vụ việc giải quyết tranh chấp về thuế chống bán phá giá cá tra, basa tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục