Chúng ta phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu về dài hạn và phải giảm dựa tăng trưởng nhờ khối FDI. Tôi quan ngại trong vài năm tới, Việt Nam sẽ phải xem lại việc thu hút FDI. Dự báo thu hút sẽ thấp do không ai đầu tư vào dịch chuyển chuỗi cung ứng trong các năm tới. Các năm tới 2026 – 2027 sẽ là năm khó khăn với Việt Nam do vốn FDI sẽ không vào nhiều”, là trả lời của ông Bruno, Chủ tịch EuroCham khi được hỏi về các giải pháp ứng phó với việc tăng thuế của Hoa Kỳ.
Theo đại diện các doanh nghiệp EU, một giả định khác được đưa ra là nếu Việt Nam bị áp thuế nhiều hơn so với các quốc gia láng giềng, những doanh nghiệp nào đã có kế hoạch dịch chuyển sang Việt Nam thì sẽ trì hoãn, đặc biệt là các dự án điện tử lớn. Việt Nam cần nhân cơ hội này để đầu tư nhiều hơn nữa để tái định vị lại hạ tầng, giao thông, năng lượng….
"Điểm yếu của Việt Nam là vẫn dựa vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Nếu nâng hàm lượng cung cấp từ châu Âu và các nước lên được thì sẽ là lợi thế. Khi hàng xuất khẩu mà không có hàm lượng Trung Quốc, tình hình sẽ khác”, ông Bruno nói. Ông cũng cho rằng, Việt Nam phải tự chuẩn bị cho chính mình. Nếu tình hình xấu, sẽ phải ứng phó thế nào?
Gia tăng sức mạnh chuỗi cung ứng
Liên quan đến việc áp thuế đối ứng tác động đến kinh tế Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, việc áp thuế của Hoa Kỳ và căng thẳng địa chính trị, sẽ kéo theo sự tăng trưởng chậm lại tại Hoa Kỳ và Trung Quốc, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc này có thể ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của Việt Nam.
"Chính phủ Việt Nam đã đặt ra kế hoạch đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể những rủi ro từ bên ngoài. Tăng trưởng kinh tế có thể đạt cao hơn và bền vững nếu các nỗ lực cải cách thể chế toàn diện thời gian qua được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Những cải cách này sẽ kích thích nhu cầu trong nước, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn, từ đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong trung và dài hạn”, ông Chakraborty cho hay.
Theo đại diện ADB, những năm qua, Việt Nam tích cực tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi các động lực kinh tế toàn cầu thay đổi, những lợi thế của Việt Nam trong việc nâng cao giá trị gia tăng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng thay đổi. Nắm bắt được những hạn chế và thách thức liên quan tới việc mở rộng sự tham gia và nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là điều rất quan trọng để cải thiện lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của đất nước.
Dự báo của ADB cho thấy, trong 2 năm tới, cải cách thể chế sâu rộng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả của Chính phủ và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, thách thức chính sách quan trọng là nâng cao giá trị gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Để vươn lên, Việt Nam phải vượt qua những thách thức khác liên quan đến đất đai, tái cấu trúc tài khóa, chiến lược phát triển công nghiệp cũng như sự suy giảm lợi thế của quốc gia trong việc hội nhập các chuỗi giá trị toàn cầu.
Việc thiếu đổi mới sáng tạo và khả năng hấp thụ công nghệ cản trở nâng cấp của các công ty trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, việc thiếu hệ sinh thái mạnh mẽ để tích hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi cung ứng dẫn đến những vấn đề về phối hợp trong triển khai chính sách, đặc biệt là trong thương mại, phát triển công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Các vấn đề về năng suất lao động và thiếu hụt kỹ năng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và số hóa, chuyển sang phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn, đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao hơn… cũng là những vấn đề mà Chính phủ và các bộ ngành cần có hành động ngay lập tức.
Theo đại diện ADB, chi phí thương mại cao, bao gồm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan đang làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù đã có tiến bộ, chỉ số hiệu suất logistic của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực, cho thấy sự cần thiết phải cải thiện cơ sở hạ tầng và hiệu quả hải quan.
Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng truyền thống do các yêu cầu vay vốn nghiêm ngặt, lãi suất cao và thiếu tài sản thế chấp. Kiến thức hiểu biết tài chính hạn chế và hệ thống thông tin tín dụng không đầy đủ càng làm phức tạp thêm khả năng tiếp cận, nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách để nâng cao sự bao phủ tài chính và hỗ trợ tăng trưởng cho khu vực tư nhân.
Một thách thức trong dài hạn cũng được ADB chỉ ra, khi chi phí lao động tăng lên, đất nước phải chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn, cải thiện khả năng hấp thụ công nghệ và tăng năng suất. Để đáp ứng những thách thức này, cần phải nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất để phát triển bền vững.
"Hiện phía đối tác Hoa Kỹ vẫn tiếp tục yêu cầu giao hàng và đặt hàng mới vì không có nguồn cung thay thế. Vì vậy, từng ngành hàng cần tìm hiểu mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu ở Hoa Kỳ có sản xuất hay không và nếu có sản xuất thì giá bao nhiêu? Ví dụ, một món đồ chơi cho thú cưng có giá xuất khẩu từ Việt Nam là 1,4 USD, nhưng giá trên siêu thị Hoa Kỳ là 48 USD thì kể cả khi thuế 46% vẫn có thể xuất khẩu được”- Ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (TP Thủ Đức - TPHCM) cho biết.
(Theo TPO)