Yên Bái hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/4/2025 | 2:30:09 PM

YênBái - Với sự hỗ trợ từ Nghị quyết số 69, 4 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai được 59 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, từng bước tổ chức lại sản xuất nông, lâm nghiệp quy mô lớn theo hình thức hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa bền vững.

Người dân huyện Văn Chấn được hỗ trợ trồng mới gần 90ha tre măng Bát độ.
Người dân huyện Văn Chấn được hỗ trợ trồng mới gần 90ha tre măng Bát độ.


Anh Phạm Văn Dũng ở thôn Dạ, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn từng nhiều năm gắn bó với việc trồng các loại cây lâm nghiệp nhưng quá trình chăm sóc kéo dài mà giá cả lại bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Năm 2023, khi xã tuyên truyền về Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tre măng Bát độ, nhận thấy đây là cây trồng có nhiều tiềm năng và được nhiều hỗ trợ nên anh Dũng đã đăng ký tham gia. Anh chủ động khai thác diện tích cây lâm nghiệp sẵn có, sẵn sàng cho cây trồng mới. 

Anh Dũng chia sẻ: "Tham gia vào Dự án, tôi chỉ cần trả trước 5.000 đồng/cây giống, được tỉnh hỗ trợ 7.000 đồng/cây giống, số còn lại khi thu hoạch mới phải thanh toán nên tôi đã mạnh dạn trồng mới 4,9 ha tre măng Bát độ. Ngoài được cung cấp cây giống đảm bảo chất lượng, tôi còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc một cách tỉ mỉ, đúng khoa học kỹ thuật, được cam kết bao tiêu sản phẩm. Vậy là chẳng còn gì phải lo lắng, cứ yên tâm mà sản xuất thôi”. 

Không chỉ anh Dũng mà hơn 100 hộ dân tại 2 xã: Thượng Bằng La, Tân Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú cũng được hưởng những hỗ trợ như thế. Dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tre măng  Bát độ triển khai trên địa bàn huyện Văn Chấn trong 2 năm 2023 - 2024 có tổng mức đầu tư là 1,452 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng.

Sau 2 năm, đơn vị thực hiện Dự án đã cung cấp 42.950 cây giống để trồng mới 85,9 ha (mật độ 500 cây/ha) vào thâm canh 50 ha vào chuỗi liên kết. Sau khi trồng, tỷ lệ sống đạt tới 98%, dự kiến sẽ được thu hoạch bói một số diện tích trong năm nay. Rõ ràng, việc tham gia vào chuỗi liên kết đã thúc đẩy nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết quy mô lớn. Sản phẩm của nông dân còn được kiểm soát từ đầu vào đến đầu ra nên năng suất, chất lượng tốt.

Ngay cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay thức ăn chăn nuôi, căn cứ nhu cầu sử dụng của nhân dân đăng ký, thông qua các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, doanh nghiệp làm đầu mối giới thiệu nguồn cung cấp đạt chuẩn, vừa tránh được tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng vừa được hưởng giá ưu đãi khi mua số lượng lớn. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, không phải chật vật lo khâu tiêu thụ, từ đó mang đến nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Anh Nguyễn Tiến Sơn - Giám đốc HTX Chăn nuôi và Dịch vụ nông nghiệp MQ (huyện Trấn Yên) cho biết: "Các thành viên khi tham gia liên kết với HTX thì từ khâu lựa chọn con giống, cơ cấu giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học được thống nhất chung một đầu mối và chung một quy trình sản xuất từ tiêu chuẩn chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc, an toàn dịch bệnh… Đến nay, HTX đã có 10 thành viên và gần 30 hộ liên kết chăn nuôi tại các thôn trong xã. HTX thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với các hộ liên kết, trung bình 170 tấn/tháng. Bình quân lương xã viên ổn định 7 - 8 triệu đồng/tháng và với các hộ liên kết thì thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng”.

Năm 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục hỗ trợ thực hiện 18 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó 15 dự án chuyển tiếp và 3 dự án mới với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 6,278 tỷ đồng. Đây chính là giải pháp hiệu quả thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Từ năm 2021 - 2024, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ 59 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, số kinh phí đã giải ngân hỗ trợ thực hiện là 31,535 tỷ đồng. Các dự án đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: tre măng Bát độ (17 dự án), trồng dâu, nuôi tằm (16 dự án), chè vùng thấp (6 dự án), chăn nuôi quy mô vừa và lớn (8 dự án), cây ăn quả (4 dự án), cây dược liệu (2 dự án), quế hữu cơ (6 dự án) với tổng kinh phí thực hiện các dự án là 230,7 tỷ đồng. 

Hoài Anh

Tags Yên Bái huyện Văn Chấn nông dân sản xuất Hợp tác xã

Các tin khác
Sản xuất giấy đế tại Công ty cổ phần Nông lâm sản thực phẩm Yên Bái

Thực hiện Chỉ thị số 10, ngày 25/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh Yên Bái phấn đấu đến hết năm 2030 có ít nhất 5.000 doanh nghiệp.

Phối cảnh Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái

Yên Bái đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc nâng cấp hệ thống hạ tầng, coi đây là đòn bẩy then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Giá vàng tiếp tục tăng

Phiên sáng đầu tuần ngày 14/4 giá vàng trong nước tiếp đà tăng và lập đỉnh mới 107 triệu đồng/lượng.

Nông dân xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu tham gia mô hình trình diễn lúa lai 3 dòng Thụy Hương 308.

Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Trạm Tấu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục