Đề xuất xã phường được cấp 2 xe ô tô công với giá tối đa 1,6 tỷ đồng mỗi xe

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/5/2025 | 7:58:08 AM

Bộ Tài Chính đề xuất mỗi xã phường được cấp 2 xe ô tô phục vụ công tác chung, trường hợp cần thiết phải mua xe 7-8 chỗ ngồi 2 cầu thì mức giá tối đa 1,6 tỷ đồng/xe.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, xã phường được cấp 2 xe ô tô phục vụ công tác chung.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, xã phường được cấp 2 xe ô tô phục vụ công tác chung.

Nội dung trên được đề cập tại dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô (thay thế Nghị định 72/2023) do Bộ Tài chính soạn thảo, đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.

Về định mức ô tô phục vụ công tác chung của khối các văn phòng cấp tỉnh (Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh), dự thảo đề xuất Hà Nội và TP.HCM có tối đa 10 xe/văn phòng.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích dưới 5.000km2 có 5 xe/văn phòng; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích 5.000km2 đến dưới 8.000km2 được bổ sung tối đa 1 xe/văn phòng và từ 8.000km2 đến dưới 11.000km2 được bổ sung tối đa 2 xe/văn phòng.

Với xe ô tô phục vụ công tác chung của cấp xã, Bộ Tài chính đề xuất định mức tối đa 2 xe/xã.

Dự thảo quy định ô tô phục vụ công tác chung có giá tối đa 950 triệu đồng/xe. Trường hợp cần thiết phải mua xe từ 12-16 chỗ ngồi thì mức giá tối đa 1,3 tỷ đồng/xe, mua xe 7-8 chỗ ngồi 2 cầu thì mức giá tối đa 1,6 tỷ đồng/xe.

Mỗi bộ, cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị một xe với mức giá tối đa 4,5 tỷ đồng/xe và hai xe với mức giá tối đa 2,8 tỷ đồng/xe.

Bộ Tài chính cho biết, dự thảo trên được kế thừa Nghị định 72/2023 của Chính phủ và có bổ sung định mức cấp xã, bỏ định mức của cấp huyện.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, theo Bộ Tài chính, về tổng thể không tăng so với các cơ quan có định mức trước khi sắp xếp. Do đó, các cơ quan, đơn vị về cơ bản sử dụng số lượng xe hiện có.

Bộ Tài chính nhận định, hiện nay có 63 tỉnh, thành; mỗi địa phương có khoảng 17-18 sở và cơ quan tương đương nhưng sắp tới sẽ chỉ còn 34 tỉnh, thành. Mỗi địa phương có cố định 11 sở và tương đương, một số địa phương khác có thêm 3-4 sở đặc thù.

Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính các cấp gắn với tinh giản biên chế nên dự kiến giảm 30-50% đầu mối bên trong, giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do vậy, định mức sử dụng ô tô theo tiêu chí biên chế sẽ tiếp tục giảm.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh, Thành ủy, Tỉnh ủy căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô tại nghị định này để thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe hiện có của tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Từ đó, các cơ quan phải cập nhật đầy đủ, chính xác số liệu ô tô sau rà soát, xử lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.

Bộ trưởng, Chủ tịch Hà Nội và TP.HCM sử dụng ô tô giá tối đa 1,55 tỷ đồng

Dự thảo cũng nêu rõ chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác (trừ trường hợp có quy định, quyết định khác của cấp có thẩm quyền), không quy định mức giá bao gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm: Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chánh án TAND Tối cao; Viện trưởng VKSND Tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng; Phó Chủ tịch Quốc hội.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác với mức giá tối đa 1,6 tỷ đồng/xe, gồm: Ủy viên Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các chức danh, chức vụ tương đương.

Các chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,55 tỷ đồng/xe, gồm: Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội Trung ương; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, TP.HCM; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP.HCM; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; các chức danh, chức vụ tương đương.

Chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác với mức giá tối đa 1,5 tỷ đồng/xe, gồm: Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và các chức danh, chức vụ tương đương.

Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng nêu các chức danh được sử dụng ô tô đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, đi công tác, có quy định mức giá.

Trong đó, chức danh được sử dụng ô tô với giá mua tối đa 1,4 tỷ đồng/xe, gồm: Phó Trưởng ban cơ quan Đảng ở Trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ Hà Nội, TP.HCM); trợ lý các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; trợ lý Thường trực Ban Bí thư; Thẩm phán TAND Tối cao, Kiểm sát viên VKSND Tối cao; các chức danh, chức vụ khác có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,3...

Chức danh được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1,25 tỷ đồng/xe, gồm: Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Trung ương Đoàn; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TP.HCM; Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP.HCM; Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân; Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản; Trợ lý các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; Tổng Biên tập Báo đại biểu nhân dân; Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; các chức danh, chức vụ khác có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,25...

(Theo VTC News)

Các tin khác
Vùng trồng thanh long của ông Trần Bá Đức, thị xã Nghĩa Lộ đã được cấp MSVT phục vụ nội địa, giúp ông thu về 270 triệu đồng/năm.

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng và chính quyền địa phương, nông dân Yên Bái đã được cấp hơn 100 mã số vùng trồng (MSVT) phục vụ nội địa, xuất khẩu. Từ đây, sản phẩm nông sản của Yên Bái có cơ hội, tăng sức cạnh tranh và nâng cao hơn nữa giá trị, hiệu quả kinh tế tạo cánh cửa mở cho nông sản vươn ra thị trường lớn.

Người dân xã An Phú phá dỡ tường rào hiến đất làm đường GTNT

Cùng với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, phong trào hiến đất mở đường ở xã vùng cao An Phú, huyện Lục Yên đang lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo người dân trong xã đồng tình, ủng hộ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy giao lưu đi lại, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Công nhân Công ty Điện lực Yên Bái tích cực tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm đến người dân.

Mùa hè năm nay dự báo thời tiết nắng nóng trên diện rộng kết hợp với nền nhiệt độ ban ngày ở ngưỡng cao sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh, gây khó khăn trong công tác bảo đảm cấp điện an toàn, liên tục và ổn định của ngành điện. Vì vậy ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện ổn định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thế Phước tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải có thành tích xuất sắc trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024.

Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Yên Bái đã xác định và đặt người dân là “chủ thể”, là “trung tâm”. Với sự linh hoạt, sáng tạo của tỉnh, phong trào xây dựng NTM ở Yên Bái nhanh chóng lan tỏa, đi vào chiều sâu, được nhân dân đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục