Cách đây gần 10 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Phương là một trong những hộ nghèo ở thôn Đồng Trạng. Không việc làm, không ngành nghề phụ, vợ chồng chị phải dắt díu nhau đi làm công nhân ở khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ. Sau vài năm lăn lộn với cuộc sống xa nhà, vốn liếng tích cóp chẳng được bao nhiêu, năm 2017 vợ chồng chị lại trở về quê hương. Hai con còn nhỏ, chi phí học hành, sinh hoạt khiến gia đình chật vật lo toan.
Chị Phương chia sẻ: "Ngày ấy, đi họp thôn, nghe người ta nói đến thoát nghèo, tôi chạnh lòng lắm. Mình cũng muốn lắm chứ, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, lại không có vốn, không có kinh nghiệm, cứ quanh quẩn mãi trong cái vòng luẩn quẩn thiếu trước hụt sau”.
Nhưng rồi suy nghĩ ấy đã thay đổi khi chị được tham gia lớp tập huấn do Hội Phụ nữ xã Báo Đáp phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trấn Yên tổ chức. Chị nhận ra rằng, muốn thoát nghèo thì trước hết phải thay đổi cách nghĩ, dám làm điều mới. Chị bắt đầu tìm hiểu về mô hình chăn nuôi gà thả vườn và nhận thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện đất đồi, vườn rộng của gia đình mình.
Năm 2018, ngoài số tiền tích góp, chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chuồng trại, mua 300 con gà giống về nuôi. Ban đầu chưa có kinh nghiệm, chị vừa làm vừa học hỏi từ các mô hình thành công ở xã bạn, qua sách báo và tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn về công tác thú y do xã tổ chức.
"Nhiều đêm gà bệnh không ngủ được, tôi phải thức canh, tìm hiểu cách chữa trị. Cực nhưng không nản, vì mình tin là sẽ làm được” - chị kể. Sau lứa gà đầu tiên, chị thu lãi 10 triệu đồng. Dù số tiền không nhiều nhưng là bước ngoặt lớn đối với chị. Cứ như vậy, những lứa gà tiếp theo thành công đã mang về nguồn thu ổn định cho gia đình.
Không dừng lại ở đó, thấy phong trào trồng rừng kinh tế trong nhân dân phát triển mạnh, sẵn có diện tích vườn tạp của gia đình, chị cải tạo làm vươn ươm cây giống, mỗi năm chị xuất bán 30 vạn cây giống các loại, thu khoảng 100 triệu đồng. Diện tích đất vườn trước cửa nhà chị mua giống cây ăn quả có múi về trồng vừa tạo bóng mát lại có thêm nguồn thu.
Năm 2020, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái khởi công xây dựng tại xã Báo Đáp, nhận thấy đây là điều kiện thuận lợi để chuyển hướng phát triển kinh tế gia đình, chị đã chuyển hơn 3 sào đất soi bãi và diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Dù là hộ nuôi tằm muộn, nhưng nhờ biết tính toán và chịu khó học hỏi, chị đã thành công.
Nhận thấy việc trồng dâu nuôi tằm không vất vả như trước đây, hạch toán hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa và rau màu, chị đã mua thêm diện tích đất soi bãi và đất lúa kém hiệu quả của những hộ dân trong thôn để trồng dâu nuôi tằm. Khi diện tích dâu của gia đình tăng lên 1,5 mẫu, chị tham gia dự án liên kết chuỗi trồng dâu nuôi tằm của xã, đồng thời vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trấn Yên đầu tư hệ thống khay trượt để tập trung chuyên canh nuôi tằm.
Bình quân mỗi năm, chị thu về hơn 1 tấn kén, mang về nguồn thu gần 200 triệu đồng. Không chỉ thế, chị còn đứng ra làm đầu mối thu mua kén tằm của các hộ dân trong thôn, trong xã và các địa phương lân cận cho Công ty cổ phân Dâu tằm tơ Yên Bái, kiêm thêm dịch vụ vận tải hàng hóa. Nhờ biết kết hợp đa dạng sinh kế, mô hình kinh tế hộ của chị ngày càng hiệu quả, trở thành hộ có mức sống khá giả trong thôn.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Phương còn là một hội viên nhiệt huyết trong công tác Hội. Nhận thấy nhiều chị em trong thôn còn e ngại việc vay vốn, không biết bắt đầu từ đâu, chị đã chủ động đứng ra chia sẻ kinh nghiệm nuôi tằm và hỗ trợ vốn, giống cho chị em trong thôn.
Chị Lâm Thị Yến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Báo Đáp cho biết: "Chị Phương là tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi. Không chỉ cùng gia đình thoát nghèo, chị còn góp phần thay đổi nhận thức, tiếp thêm động lực cho nhiều chị em khác vươn lên. Tinh thần đoàn kết, sẻ chia của chị rất đáng trân trọng”.
Chị Phương cũng tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội như "Phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”..., góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xây dựng đời sống mới.
Khát vọng vươn lên, tinh thần cần cù, năng động và sự sẻ chia đã giúp chị Phương không chỉ thay đổi cuộc sống mà còn lan tỏa năng lượng tích cực cho cộng đồng, góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới ấm no, hạnh phúc.
Thanh Tân