Hiệu quả từ vốn vay giải quyết việc làm
- Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ năm 2005 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã quyết định cho 92 dự án vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm là 3.351 triệu đồng. Các dự án này đã và đang góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho 564 lao động với 258 lao động được tạo việc làm mới.
Doanh nghiệp Cơ khí Sơn Tùng đẩy mạnh hoạt động trong những tháng cuối năm 2007.
|
Những tháng này, Doanh nghiệp Cơ khí Sơn Tùng (tổ 10, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ) đang bận rộn với những đơn đặt hàng làm nhà xe, nhà đánh cầu lông bằng sắt, làm cửa sổ, hàng rào sắt...
Ông Trần Quang Lượng - Giám đốc doanh nghiệp cho biết: "Đúng vào thời điểm này, doanh nghiệp được thị xã tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm, kịp thời đầu tư mua thêm máy mài, máy khoan và bổ sung vào nguồn vốn lưu động mua nguyên vật liệu, giúp doanh nghiệp nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng". Với sự tạo điều kiện cho vay, quay vòng vốn tốt, doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động và tạo việc làm, thu nhập cao cho công nhân. Ở đây, có 6 công nhân đều là người địa phương, lương trả 1.150.000 đồng/người/tháng.
Cũng như Doanh nghiệp Sơn Tùng, hộ chị Bùi Thị Nga ở tổ 19, phường Pú Trạng được vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm đầu tư vào chăn nuôi bò, ngoài tạo việc làm phát triển kinh tế cho gia đình còn tập việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, bắt đầu sinh sản, khẳng định hiệu quả của dự án.
Không chỉ tạo điều kiện cho vay vốn trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, từ nguồn vốn này cũng đã có nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục, phát triển như nghề dệt thổ cẩm ở bản Pá Khết, phường Trung Tâm. Ở đây có gần 50 khung dệt, liên tục hoạt động kể cả ngày nông nhàn cũng như ngày mùa.
Chị Điêu Thị Siêng dạy nghề dệt cho chị em trong tổ hợp. |
Chị Điêu Thị Siêng, chủ của một dự án dệt thổ cẩm trong bản cho biết: "Năm 2006, tôi đứng ra làm chủ dự án dệt thổ cẩm của 2 hộ, được vay 30 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư mua len sợi, máy móc và tạo việc làm cho 12 lao động trong bản với mức thu nhập từ 350.000 - 400.000 đồng/người/tháng. Tuy số tiền không cao nhưng đã tạo việc làm thường xuyên và tranh thủ những lúc nhàn rỗi, có thêm thu nhập". Gia đình chị có 4 khung dệt, 5 bộ quay sợi, tạo việc làm cho 6 người; các mặt hàng làm ra chủ yếu là khăn len, vải thổ cẩm bán được nhanh không chỉ trong vùng mà còn đưa đi bán ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình...
Từ năm 2005 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã quyết định cho 92 dự án vay vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm là 3.351 triệu đồng, trong đó có 55 dự án thuộc lĩnh vực chăn nuôi, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản; 28 dự án thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ; 9 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải đang góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho 564 lao động với 258 lao động được tạo việc làm mới.
Thị xã đã cụ thể hóa chương trình giải quyết việc làm bằng các nghị quyết chuyên đề gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu hàng năm cho các xã, phường và phân công các cá nhân, ban, ngành, tổ chức đoàn thể phụ trách, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch giao. Công tác cho vay vốn được phối hợp đồng bộ, thống nhất cao giữa các cơ quan liên quan.
Ông Ngô Thanh Hiền - Trưởng phòng Nội vụ - LĐ,TB,XH thị xã Nghĩa Lộ đánh giá: "Có 95% các dự án được vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Bình quân mỗi lao động có thu nhập từ 450.000 - 1.200.000 đồng/người/tháng".
Trên cơ sở hiệu quả của các dự án, thị xã tiếp tục thẩm định, giải ngân kịp thời đối với các dự án có tính khả thi; tăng cường quản lý đối với các dự án để tránh sử dụng sai mục đích; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các chủ dự án, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại; tiếp tục tạo việc làm cho các lao động mới, góp phần nhanh chóng xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2007, thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay 24 dự án với số vốn 1.127 triệu đồng, tạo việc làm cho 115 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 46 lao động. Đặc biệt, nhiều dự án hoạt động tốt, sử dụng vốn vay có hiệu quả cao, trở thành những mô hình tiêu biểu, điển hình về phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.
Từ những mô hình dự án này đã được bà con học tập và nhân rộng, đưa kinh tế trên địa bàn thị xã phát triển. Theo ông Ngô Thanh Hiền thì tiếp tục phát huy hiệu quả của dự án, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu tạo việc làm mới cho 100 - 300 lao động từ nguồn vốn quỹ quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm.
PV
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái là một tỉnh miền núi có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp phát triển rừng và các loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Trong những năm qua, việc phát triển cây ăn quả ở tỉnh Yên Bái vừa phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giải quyết việc làm và góp phần nâng cao đời sống người làm vườn trong tỉnh.
YBĐT - Ngày 01/01/2007 Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Như vậy, nước ta đã có vị thế bình đẳng với các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu và thiết lập một trật tự kinh tế công bằng trong việc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho đất nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải có những điều chỉnh, thích nghi với điều kiện thực tế nếu muốn tận dụng cơ hội một cách thành công nhất.
YBĐT - Đến hết tháng 8 năm 2007, giá trị tổng sản lượng sản xuất CN - TTCN của thành phố Yên Bái (Yên Bái) đạt 65,3 tỷ đồng, bằng 70,9% kế hoạch năm.
YBĐT - Thị trấn Thác Bà huyện Yên Bình (Yên Bái), có lợi thế là đầu mối giao lưu kinh tế - xã hội của khu vực hạ huyện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.