Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa
- Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trồng cây gì, nuôi con gì để nâng cao giá trị trên mỗi héc-ta canh tác luôn là vấn đề trăn trở của các địa phương. Huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có cách làm rất cụ thể, làm chắc và hiệu quả, sản xuất gắn với chế biến và thị trường.
|
Rõ ràng, trong sản xuất nông nghiệp, Văn Chấn có nhiều lợi thế: có cánh đồng Mường Lò rộng lớn, phì nhiêu; vùng chè nguyên liệu tươi tốt và người dân có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến nhưng cũng không có nghĩa tất cả đều “thuận buồm xuôi gió”. Đã có một thời, Đảng bộ, chính quyền từ huyện tới cơ sở đấu tranh, bàn luận để chuyển sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất lớn theo hướng hàng hóa. Với sự quyết tâm, nhất trí cao trong Đảng bộ, một trong những giải pháp mang tính đột phá là phải làm tốt công tác quy hoạch và phân chia huyện thành ba vùng kinh tế: vùng ngoài tập trung phát triển cây chè, vùng lòng chảo Mường Lò phát triển cây lúa, vùng cao trồng rừng và chè Shan.
Trên cánh đồng Mường Lò, bà con không chỉ sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực mà còn sản xuất lúa chất lượng cao, hình thành vùng hàng hóa tập trung.
Huyện vận động nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa đạt bình quân trên 100 tạ/ha, đưa tổng sản lượng lương thực đạt 47 ngàn tấn. Mặt khác, với các xã nằm trong vùng lòng chảo Mường Lò, huyện chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống, đưa giống lúa có chất lượng gạo thương phẩm cao vào sản xuất như: Chiêm Hương, Sén Cù, Thiên Hương... Huyện có chính sách hỗ trợ 2.000 - 4.000 đồng/kg lúa giống tùy vào từng thời điểm; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ tư thương ký kết hợp đồng đầu tư với nông dân và bao tiêu sản phẩm. Hàng năm, diện tích gieo cấy lúa chất lượng cao ngày một nhiều, chỉ tính riêng vụ mùa này, toàn huyện đã cấy được 1.100 ha, riêng cánh đồng Mường Lò là 660 ha.
Bí thư Huyện ủy Ngô Ngọc Tuấn và Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hợp Đoàn đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng Mường Lò. Bà con nông dân đang hối hả thu hoạch diện tích mùa sớm và triển khai làm cây vụ đông. Bí thư Tuấn cho biết: “Toàn bộ vùng này có gần 10 ha, chính xác hơn là 9,7 ha thuộc xã Thanh Lương, bà con gieo cấy 4ha giống Thiên Hương, còn lại là giống lúa Sén Cù - đây là loại tuy năng suất không cao bằng lúa lai song chất lượng gạo thì tuyệt!”. Ngắt một bông lúa, Bí thư nói: “Ruộng này năng suất không thể dưới 42 tạ/ha, lúa còn nằm đây nhưng bà con đã được thu “tiền tươi” rồi đấy”. Đang thu hoạch lúa ở thửa bên, anh Lò Văn Huấn dừng tay nói to: “Báo cáo Bí thư, lúa vụ này tốt lắm! Hôm qua, nhà em gặt 5 sào Sén Cù, thu ngót một tấn, tư thương đến mua luôn với giá 5.500 đồng/kg, được trên năm triệu đồng”.
Với trên 1.100 ha lúa chất lượng cao, năng suất bình quân 42 tạ/ha thì sản lượng đạt gần 5.000 tấn thóc, bán với giá thị trường sẽ đem về cho huyện ngót ba chục tỷ đồng. Biết là có hiệu quả kinh tế cao, song không phải ở thửa ruộng nào cũng gieo cấy được và không phải gia đình nào cũng làm được bởi đòi hỏi phải áp dụng nghiêm ngặt các quy trình thâm canh cùng mức đầu tư cao hơn. Đó cũng là lý do mà huyện mỗi năm chỉ mở rộng được vài chục héc-ta lúa chất lượng cao.
Trong sản xuất cây vụ đông, cây ngô vẫn là chủ lực, đẩy mạnh sản xuất cây hành, ớt, đậu tương. Vụ đông này, Văn Chấn phối hợp cùng một công ty lớn trong lĩnh vực chế biến rau quả, đầu tư giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân xã Phù Nham, Thanh Lương trồng 20 ha dưa bao tử. Đây là tiền đề quan trọng cho phát triển cây dưa nói riêng và cây vụ đông nói chung trong những vụ tiếp theo.
Với cây chè, huyện không ngừng đổi mới giống chè vùng thấp, trồng cải tạo thay thế chè già cỗi bằng giống nhập nội và chè lai được 700 ha.
Sản lượng chè hàng năm đạt gần 30 nghìn tấn, tính riêng từ đầu năm đến nay bà con đã thu hái 20 nghìn tấn, bán giá bình quân 2.500 đồng/kg. Cuộc sống người làm chè đã đổi thay, số hộ đói, nghèo từng ngày khép lại, số hộ giàu tăng; trường học, trạm y tế, trung tâm cụm xã, đường giao thông đã cơ bản được kiên cố hóa.
Những kết quả đó đã khẳng định một hướng đi phù hợp của huyện. Tuy nhiên, kinh tế tăng trưởng cao nhưng chưa vững chắc, sản xuất hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng... là những vấn đề mà Đảng bộ, nhân dân Văn Chấn cần tiếp tục khắc phục.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Thời gian qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV-Yên Bái) đã từng bước triển khai chương trình đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ và hiện đại hoá hệ thống nghiệp vụ phục vụ khách hàng, trong đó có việc đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt bốn máy rút tiền tự động và phát hành thẻ ATM. Sự mạnh dạn đầu tư của BIDV-Yên Bái rất phù hợp với tiến trình phát triển nói chung và Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản.
YBĐT - Thực hiện chương trình hỗ trợ và đầu tư trồng tre Bát Độ lấy măng năm 2007, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã triển khai cho nhân dân đăng ký vay vốn để trồng. Năm 2007, với trên 300 ha tre Bát Độ trồng mới, huyện đã kịp thời hỗ trợ cho nhân dân vay đầu tư 2 triệu đồng/ha, trong đó ngân sách huyện hỗ trợ phủ lãi suất một năm đầu.
YBĐT - Lúa mùa ở thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) năm nay rất tốt. Bà con nông dân rất phấn khởi về một vụ mùa bội thu để bù đắp lại những thiệt hại trong vụ chiêm xuân vừa qua. Vào khoảng thời gian từ 15 đến 20/9 bà con bắt đầu gặt rộ trà mùa sớm và gặt đến đâu tranh thủ làm vụ đông ngay đến đó.
YBĐT - Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh chè của các doanh nghiệp từng rối như một mớ bòng bong khổng lồ. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, song hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè đều rơi vào cảnh lận đận. Có doanh nghiệp phải dừng sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy.