"Cần tạo ra sự đồng bộ trong quản lý từ tỉnh đến cơ sở"
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong 3 năm (2006 – 2008), tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Yên Bái đạt cao, sản xuất nông nghiệp khắc phục được những khó khăn và tăng 4,3% so với năm 2007, sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 28%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng chí Phạm Duy Cường - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã khẳng định như vậy với phóng viên YBĐT.
Yên Bái có tiềm năng rất lớn về ngành khai thác, chế biến khoáng sản.
|
Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng, tỉnh Yên Bái dự báo trong 31 chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội chủ yếu của năm 2008 này có 6 chỉ tiêu sẽ vượt mục tiêu, 17 chỉ tiêu có thể đạt và 8 chỉ tiêu có thể không đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiều chỉ tiêu được đánh giá có mức tăng trưởng khá nhưng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững.
- Dự kiến năm 2008 có 8 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, đồng chí có thể cho biết cụ thể về tình hình thực hiện 8 chỉ tiêu này của tỉnh?
Ông Phạm Duy Cường |
- Năm 2008, ngoài khó khăn chung do ảnh hưởng của lạm phát, tỉnh Yên Bái còn có khó khăn riêng, đó là: đợt rét đậm, rét hại đầu năm, hậu quả của cơn bão số 4, số 6 gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và cả đời sống nhân dân. Nó cũng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự ước đánh giá năm 2008 tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong 3 năm (2006 – 2008), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao, sản xuất nông nghiệp khắc phục được những khó khăn và tăng 4,3% so với năm 2007, sản xuất công nghiệp tăng xấp xỉ 28%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để xoá đói, giảm nghèo, đặc biệt là chính sách hỗ trợ toàn diện cho vùng cao, vùng đồng bào dân tộc.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh chính trị được giữ vững. Trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2008, dự ước có 8 chỉ tiêu không hoàn thành, trong đó có 4 chỉ tiêu về nông nghiệp, 1 chỉ tiêu về công nghiệp, 1 chỉ tiêu về dịch vụ và 1 về lĩnh vực dân số.
Có thể nói, trên lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ có thể không đạt chỉ tiêu là do ảnh hưởng của khách quan, những chỉ tiêu còn lại, tôi cho rằng là nguyên nhân chủ quan trong quán triệt nghị quyết và sự lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp.
- Kinh tế nông nghiệp được xem là nền tảng cho phát triển kinh tế, trong 8 chỉ tiêu có thể không đạt thì có 4 chỉ tiêu về lĩnh vực nông nghiệp, liệu kinh tế nông nghiệp của chúng ta còn nhiều yếu kém?
- Tỉnh Yên Bái có 78% dân số sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong công tác lãnh, chỉ đạo, tỉnh Yên Bái luôn đặt vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá ở những vùng phát triển và đảm bảo an ninh lương thực xoá đói giảm nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là nhiệm vụ quan trọng bởi nó là nền tảng để ổn định chính trị, đảm bảo an ninh – quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc và môi trường sinh thái, đặc biệt, phát triển nông nghiệp là cơ sở quan trọng, là nền tảng cho phát triển kinh tế – xã hội theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
Trong chỉ đạo, tỉnh Yên Bái luôn gắn việc phát triển sản xuất nông nghiệp với vấn đề nông dân và nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường định hướng XHCN. Từ đó, quy hoạch và thực hiện nhiều vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến như: gỗ rừng kinh tế, chè, quế, lúa, tre măng Bát Độ, sắn, đỗ tương, tích cực trồng cây vụ 3...
Tuy nhiên, nếu so sánh với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc thì Yên Bái còn yếu kém về năng suất, chất lượng cây lúa, ngô, các giải pháp về phát triển chăn nuôi đại gia súc, chưa có kế hoạch xác định cây chủ lực cho vùng cao để bảo vệ môi trường và cải tạo đất...
- Toàn quốc, trung bình cứ 400 dân/doanh nghiệp còn ở Yên Bái có 1.320 dân/ doanh nghiệp. Liệu có phải môi trường đầu tư chưa tốt hay do chúng ta chưa phát huy được tiềm năng, huy động nội lực trong các tầng lớp nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh?
- Doanh nghiệp là lực lượng chủ đạo trong phát triển kinh tế của đất nước, giá trị sản xuất của doanh nghiệp đóng góp vào GDP chiếm tỷ trọng lớn, phát triển sản xuất của doanh nghiệp sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề, tạo tư duy mới cho người lao động, tạo ra các dịch vụ thúc đẩy phát triển hạ tầng, đô thị...
Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp cùng với quy hoạch các vùng nguyên liệu, xây dựng những chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất.
Trong 3 năm qua, đã có 469 doanh nghiệp mới được thành lập đầu tư vào các lĩnh vực lợi thế của tỉnh. Đã xuất hiện nhiều nhân tố mới đầu tư vào các lĩnh vực xã hội như: giáo dục, đào tạo nghề, bệnh viện tư nhân chất lượng cao...
Đánh giá sự phát triển của doanh nghiệp có nhiều tiêu chí, theo tôi ở Yên Bái cần phải đánh giá lại cơ cấu doanh nghiệp, coi trọng chất lượng và hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp cũng như lợi ích chung của toàn xã hội, của Nhà nước.
Trong quá trình phát triển của các doanh nghiệp, chúng ta cũng cần nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp để hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, định hướng cho phát triển sản xuất bền vững, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, đó là các vấn đề về nhận thức tuyên truyền vận động nhà đầu tư, trong công tác cải cách hành chính, sự phối hợp của các ngành...
- Công nghiệp được xác định là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững nhưng hiện nay lĩnh vực này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Vậy theo đồng chí đâu là nguyên nhân? Năm 2009, Yên Bái tập trung vào vấn đề gì để công nghiệp phát huy tốt tiềm năng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh?
- Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 là 941 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2008 ước đạt 1.736 tỷ đồng, dự ước đến năm 2010 giá trị sản xuất công nghiệp đạt từ 3.800 tỷ đến 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2005.
Với kết quả này, thể hiện được kết quả của chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, kết quả của sự lãnh đạo của tỉnh với lĩnh vực công nghiệp, quyết tâm đưa Yên Bái trở thành tỉnh có nền sản xuất công nghiệp phát triển. Tiềm năng của tỉnh rất lớn về ngành khai thác, chế biến khoáng sản, thuỷ điện, chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp.
Các doanh nghiệp mới được thành lập và nhà đầu tư từ bên ngoài đang tích cực triển khai xây dựng dự án của mình, tuy nhiên trước sự phát triển mang tính đột phá của doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước, hạ tầng của tỉnh chưa đáp ứng được với sự phát triển đó.
Trong những tháng cuối năm 2008 và năm 2009, tỉnh phải chú trọng, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính để tạo ra sự đồng bộ trong quản lý ở mọi cấp, trợ giúp doanh nghiệp về thông tin thị trường, giải quyết tốt vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh các quy hoạch, bổ sung các quy hoạch, tháo gỡ những vấn đề về vốn, điện, tiếp tục đầu tư hạ tầng, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thuỷ điện, khai thác quặng sắt, luyện thép, chế biến đá trắng.
Giải pháp cơ bản để phát triển công nghiệp đã có nhưng để thực hiện được mục tiêu đã đề ra thì cần có sự chỉ đạo tích cực của UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng, nỗ lực của các doanh nghiệp trong tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Thành Trung (Thực hiện)
Các tin khác
Lễ trao giải "Top 500 Nhà bán lẻ khu vực châu Á-Thái Bình Dương 2008" đã diễn ra tại khách sạn lớn nhất châu Á Venetian ở Khu hành chính đặc biệt Ma Cao (Trung Quốc) ngày 16/10.
Chiều 16/10, tại diễn đàn Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển đã trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Theo đó, có 16 loại đối tượng và dịch vụ phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bên cạnh đó, một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đó là việc điều chỉnh thuế suất theo hướng tăng đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ.
Với đà giảm hiện nay của giá dầu thế giới, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng, dầu trong nước đã bắt đầu có lãi. Người dân trông chờ một đợt giảm giá mới, nhưng các DN vẫn "án binh bất động". Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Sáng 16-10, Bộ Công thương cho biết, để tổ chức tốt nguồn hàng cho nhân dân đón Tết Kỷ Sửu 2009, bộ đã yêu cầu các đơn vị trong ngành dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là các loại thực phẩm chế biến và hàng công nghệ phẩm, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với giá hợp lý, chất lượng an toàn, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.