Vẫn còn những gánh nặng quá sức
- Cập nhật: Thứ hai, 17/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đã hơn 3 tháng, kể từ khi cơn bão lũ lịch sử số 4 đi qua, có biết bao những nỗi đau mất mát về người và của, nhưng đến nay những hậu quả để lại vẫn còn đó. Nhiều hộ dân trong tỉnh Yên Bái bị lũ tàn phá hiện vẫn đang còn phải loay hoay trong việc xây dựng lại cơ nghiệp.
Chị Nguyễn Mai Tùng thôn Long Thành đang cắt vội những cây bắp cải héo mong gỡ lại chút công sức đầu tư.
|
Xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) là một trong những địa phương phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu nhờ vào hai vụ lúa và chăn nuôi, trồng rau màu. Sau khi cơn bão số 4 đi qua, khó khăn chồng chất đến với người dân nơi đây, bởi một phần đất canh tác hiện vẫn còn vùi sâu dưới cát, nhiều chỗ sâu tới gần 3m mà sức lực của người dân thì có hạn nên không thể cải tạo, san gạt được trong một sớm một chiều.
Điều đáng buồn hơn là những thửa ruộng không bị cát vùi lấp, nhưng hiện vẫn chưa thể gieo trồng được do chất gì đó đã tác động mà nhiều hộ đã sử dụng vôi, lân…để xử lý nhưng trồng rau xuống, đang phát triển gặp một cơn mưa là rau thối rễ héo dần rồi chết. Nhìn những luống rau cải bắp “đang ngủ” của gia đình chị Nguyễn Mai Tùng ở thôn Long Thành mới thật xót xa, vì chỉ độ hơn 20 ngày nữa thôi sẽ cuộn chặt và cho thu hoạch, nhưng hôm nay phải cắt vội mang bán mong gỡ lại chút công sức, tiền của bỏ ra. Hàng xóm với chị Tùng là anh Đoàn Văn Thanh cũng ngao ngán cho dù cũng mua vôi về cải tạo đất trồng hơn 1 sào rau nhưng rau cũng không sống được. Anh chuyển sang trồng hoa, anh chọn giống hoa cúc - một loại cây có sức sống khoẻ, phát triển nhanh để mong sẽ cho thu nhập trong dịp tết Kỷ Sửu sắp tới, nhưng rồi thì hoa cũng chung số phận như cây rau, chưa thối rễ thì lá cúc cũng đen sạm quăn lại, thối ngang thân cây, không biết có sống để nở hoa được hay không?
Tìm hiểu một số thôn trong xã bị ngập nặng như: Bái Dương, Long Thành, Minh Long, Hợp Thành… rồi các xã thuộc hai huyện Văn Yên, Trấn Yên nằm dọc hai bên bờ sông Hồng thì đều nhìn thấy hậu quả tương tự của bão lũ để lại đang là những gánh nặng đè lên vai người nông dân.
Mọi người dân ở các địa phương trong tỉnh nói chung và nông dân xã Tuy Lộc nói riêng đều chung một nguyện vọng mong được các cấp lãnh đạo và ngành chuyên môn quan tâm, tạo điều kiện giúp người nông dân san gạt cát, cải tạo đồng đất, ruộng vườn, để sớm khôi phục lại sản xuất, ổn định đời sống.
Linh Chi
Các tin khác
Ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thịnh (huyện Văn Yên - Yên Bái) phấn khởi cho biết: Đến nay Hội Nông dân xã An Thịnh có 356 hội viên được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền gần 2,6 tỷ đồng và 140 hộ được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số tiền 1 tỷ 496 triệu đồng. Hợp đồng sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ quá hạn, không nợ lãi, trả dứt điểm trong tháng đó chính là những đánh giá khách quan từ các nguồn cấp vốn đối với Hội Nông dân An Thịnh. Nhờ nguồn vốn này, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên nông dân ở An Thịnh đã giảm đảng kể.
Xăng dầu, xi măng, thép xây dựng, gas, sữa, cước vận chuyển... là những mặt hàng nằm trong danh mục kiểm soát giá. Trong một số tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, Nhà nước sẻ ấn định giá bán lẻ phù hợp với tình hình thức tế, nhằm ổn định thị trường.
Kể từ 17/11, lãi suất cho vay ưu đãi VND của Vietcombank sẽ điều chỉnh giảm từ 15,2% một năm xuống 13,5%, đây là mức cho vay thấp nhất trên thị trường kể từ khi lãi suất cơ bản 12% áp dụng vào đầu tháng 11.
Ngày 14.11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký kết với đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) Hiệp định tài trợ cho dự án Tài chính nông thôn III (TCNT III) trị giá 200 triệu USD.